Trẻ hư vì được nuông chiều

Nhiều bậc cha mẹ thường vì quá yêu thương mà nuông chiều con cái quá mức. Họ vô tình tạo cho con mình những thói quen xấu như: hay làm nũng, ích kỷ, sai vặt, hay đòi hỏi,...

Con hư tại ai?

Nhà anh chị tôi có một cậu “quý tử”, được bố mẹ nuông chiều đủ thứ. Đã 5 tuổi đầu mà bé không biết làm bất cứ công việc nào, đến cả việc ăn cơm của cu cậu cũng phải bố mẹ bón và cho xem hoạt hình, siêu nhân mới chịu ăn. Mọi yêu cầu của bé được anh chị tôi đáp ứng một cách vô điều kiện. Chuyện ăn nói của bé thì vô cùng lộn xộn, văng bậy, chửi tục, ăn nói với người lớn nhát gừng, nhát tỏi. Chơi với các bạn, cậu “quý tử” luôn la mắng, quát tháo, muốn mình chiến thắng. Tôi buồn vì đó là cháu mình. Bé hư như vậy là hậu quả từ việc chiều con của anh chị tôi. Giá như anh chị tôi nghiêm khắc với bé hơn nữa thì bé sẽ không “già nua” như vậy. Hy vọng, anh chị sẽ suy nghĩ lại về cách nuôi dạy con của mình.

Thế nào là chiều con?

Theo các chuyên gia tâm lý, chiều con là luôn làm thỏa mãn những gì chúng muốn hoặc yêu cầu, kể cả những điều vô lý hoặc không đúng. Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ nuôi dạy con theo công thức “làm những gì nó cần và cho những gì nó thiếu”. Mỗi khi trẻ bị ốm hay mệt hoặc hờn dỗi là một danh sách các yêu cầu của trẻ được cha mẹ, ông bà đáp ứng một cách vô điều kiện. Nhiều cha mẹ có những biểu hiện chiều con mà không biết mình đang chiều con.

* Mua đồ chơi: Bạn mua tất cả đồ chơi mà bé thích, như vậy là bạn đã chiều con. Những lần sau, bé sẽ có nhiều đòi hỏi cao hơn, đương nhiên bạn lại tiếp tục mua, nếu không bé sẽ hờn dỗi, khóc lóc. Bạn không nên đáp ứng để thỏa mãn sở thích của bé mà nên lựa chọn những đồ chơi cần thiết và phù hợp với hoàn cảnh gia đình mình, giải thích cho bé biết vì sao mình không đáp ứng mọi yêu cầu của bé.

* Xem phim, nghe nhạc: Nhiều bé rất thích xem phim, nghe nhạc hàng mấy tiếng đồng hồ hoặc là quên ăn, quên học để xem. Thấy con xem nhiều, bạn tắt tivi, tắt nhạc, nhưng khi bé hờn dỗi, bạn lại bật lại cho chúng xem. Cứ như vậy, bạn sẽ làm bé mất quy tắc trong cuộc sống. Cha mẹ nên tập cho con một thời gian biểu ăn, học, giải trí, hợp lý. Khi bé hờn dỗi, cha mẹ nên ân cần khuyên bảo và nói rõ quan điểm của mình với con.

* Xen vào câu chuyện: Mỗi khi người lớn đang nói chuyện, bé thường xen vào câu chuyện đó. Nếu bạn không nói gì mà cứ để bé tiếp tục như vậy thì vô tình bạn đã tạo cho con mình cách ăn nói không đúng lúc, đúng chỗ. Trường hợp này, cha mẹ nên giải thích cho bé việc xen vào câu chuyện của người lớn là không nên, dạy bé khi nào nên nói và cần nói.

* Dọn dẹp thay bé: Bé chơi xong, bày đồ chơi la liệt, bạn tự tay thu dọn toàn bộ “chiến trường” thay con. Điều đó tạo cho bé thói quen ỷ lại vào người khác, không biết cách thu dọn công việc nhỏ. Bạn nên khuyến khích bé tự làm để bé có thể nói “con sẽ dọn đồ chơi” chứ không phải “mẹ làm hộ con”.

* Cho con tiền tiêu vặt: Điều này vô tình cha mẹ làm cho bé không biết quý trọng đồng tiền và dần hình thành tính cách chi tiêu không hợp lý của bé. Cha mẹ nên dạy cho con cái phải có kế hoạch chi tiêu và biết tiết kiệm đồng tiền làm ra. Lúc nhỏ, trẻ biết sống tự lập thì lớn lên, trẻ sẽ tháo vát và dễ thành công hơn trong cuộc sống.

* Bênh con: Mỗi khi thấy con khóc vì bị bố hay ông bà quát mắng, nhiều bà mẹ đã bênh vực và dỗ dành để bé hết hờn dỗi. Yêu thương bé kiểu này, bạn càng làm cho bé hư nhiều hơn, không nghe lời người lớn luôn làm theo ý muốn của mình. Gặp tình huống này bạn không nên bênh con mà phải nói cho con hiểu con đã làm sai và khuyên con xin lỗi người lớn.

Giúp bé ngoan

Thực tế cho thấy, với những trẻ được cưng chiều quá mức, nếu may mắn không hư hỏng thì cũng trở thành những người ỷ lại, không thể tự chăm lo cho bản thân. Sự nuông chiều của cha mẹ có thể sẽ vô tình tạo cho con cái tính ích kỷ và trẻ trở nên xa cách xã hội. Trẻ có thể không coi mình là một thành viên của cộng đồng.

Để trẻ tự tin mà không cao ngạo, biết cho và nhận hợp lý, biết chia sẻ và cảm thông với người khác, đòi hỏi các bậc cha mẹ phải nỗ lực rất nhiều trong cách thể hiện tình cảm đối với trẻ, giúp trẻ nhận thức được chừng mực trong cuộc sống.

Hãy để cho trẻ tự đấu tranh, tự học tập kinh nghiệm, rồi hướng dẫn chúng xử lý, tập kìm chế những ham muốn của mình. Tập cho trẻ có tính độc lập, không ỷ lại vào người lớn là điều mà cha mẹ nên làm.
Bằng sự ân cần và chu đáo của mình, bạn hãy giúp bé sửa những thói hư, tật xấu, dần dần hình thành những đức tính tốt và ngoan.

Bác sĩ tâm lý Thúy Minh (BV Nhi TW) cho biết: Cha mẹ không nên đáp ứng mọi yêu cầu không cần thiết của trẻ, để trẻ thỏa mãn nhu cầu. Những nhu cầu “cần” và “ thiếu” trước mắt ấy chỉ là nhất thời. Còn cái sâu xa hơn, cái mà trẻ thiếu là hoàn thiện về nhân cách và tính cách.

Vương Minh

Nguồn : bau.vn