Theo con số thống kê của tổ chức Y tế Thế giới WHO, mỗi năm có tới 22.000 người tử vong do sốt xuất huyết. Trong đó, số trẻ em tử vong chiếm đa số vì bệnh dễ tiến triển nặng hơn so với người lớn. Vậy bố mẹ cần làm gì để bảo vệ bé yêu nhà mình khỏi bệnh sốt xuất huyết ở trẻ? Bài viết này của Bau.vn sẽ cung cấp cho bạn những thông tin triệu chứng, hướng điều trị khi bé bị sốt xuất huyết và cách phòng ngừa để có hướng đối phó với bệnh kịp thời.
Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra là một dạng bệnh truyền nhiễm cấp tính. Virus này thường lây truyền qua vật chủ trung gian là muỗi vằn có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus.
Virus gây sốt xuất huyết bao gồm 4 chủng loại, lần lượt là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Một người có thể bị nhiễm bệnh khi bị muỗi vằn cái (có chứa virus dengue) đốt lên da. Sốt xuất huyết có thời gian ủ bệnh kéo dài từ 8 – 11 ngày tùy từng trường hợp.
Khi muỗi đốt lên da, nếu là người chưa mắc thì virus sẽ thâm nhập vào máu. Ngược lại, nếu người bị đốt đã nhiễm virus trước đó thì virus sẽ được truyền sang muỗi. Thông thường, một người sau khi được điều trị khỏi sốt xuất huyết thì hệ miễn dịch sẽ có khả năng chống lại loại virus đã gây bệnh. Tuy nhiên, người đó vẫn có thể mắc phải bệnh sốt xuất huyết do 3 chủng loại còn lại.
Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ nguy hiểm hơn so với người lớn vì sức đề kháng của trẻ yếu hơn.
Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết ở trẻ qua từng giai đoạn
Giai đoạn sốt (giai đoạn khởi phát)
Đây chính là giai đoạn đầu tiên khi bệnh bắt đầu khởi phát. Ở giai đoạn này, trẻ nhiễm bệnh sẽ có hiện tượng sốt cao (từ 39 – 40ºC) liên tục và đột ngột trong 2 – 5 ngày đầu. Giai đoạn này nhiều bậc cha mẹ hay nhầm lẫn với cảm cúm hoặc sốt virus thông thường. Tuy nhiên hãy theo dõi các dấu hiệu sốt xuất huyết điển hình đi kèm với sốt cao:
- Trẻ quấy khóc nhiều
- Trẻ chán ăn
- Buồn nôn
- Mệt mỏi
- Có hiện tượng xuất huyết ở lỗ chân lông
- Chảy máu chân răng
- Nhức đầu
- Đau hốc mắt
- Đau nhức các cơ và khớp
Giai đoạn nguy hiểm
Vào ngày thứ 3 – 7 của quá trình nhiễm bệnh được xem là giai đoạn nguy hiểm hơn cả. Giai đoạn này trẻ có thể đã hạ sốt, tuy nhiên lúc này virus đã làm suy yếu hệ miễn dịch, số lượng bạch cầu, tiểu cầu đã giảm đáng kể…
Ngoài ra, ở giai đoạn này, bé còn có các biểu hiện như:
- Dịch tràn phổi khiến bé sưng phù ở bụng
- Xuất huyết nghiêm trọng dưới da hoặc nội tạng
- Phù nề vùng ổ mắt
- Tiểu ra máu hoặc ít đi tiểu
- Chảy máu mũi
- Tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp
- Da lạnh ẩm, đầu chi lạnh
- Hay khát nước
Giai đoạn hồi phục
Sau giai đoạn nguy hiểm từ 48 – 72 giờ, bệnh sốt xuất huyết ở trẻ sẽ bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi. Cơ thể trẻ sẽ được cải thiện và phục hồi dần với những biểu hiện như đi tiểu nhiều hơn, có cảm giác thèm ăn và huyết áp ổn định hơn.
Hướng điều trị bệnh sốt xuất huyết ở trẻ
Hạ sốt đúng cách
Nên cho bé uống thuốc hạ sốt Paracetamol (liều chỉ định 10 – 15mg/kg) nếu sốt cao trên 38.5ºC. Sau 4-6 giờ vẫn không hạ sốt thì tiếp tục cho bé uống hạ sốt.
Đồng thời, cha mẹ cần thường xuyên giúp trẻ hạ nhiệt cơ thể bằng cách chườm khăn ấm ở trán, nách, bẹn để tránh tình trạng sốt cao gây co giật.
Có chế độ dinh dưỡng hợp lý
Trẻ khi bị sốt xuất huyết cơ thể mệt mỏi nên thường sẽ chán ăn. Bó mẹ có thể chia thành các bữa ăn nhỏ để trẻ dễ ăn hơn.
Bổ sung nước
Mất nước là điều khó tránh khỏi khi trẻ bị sốt xuất huyết thường xuyên trong tình trạng thân nhiệt cao. Vì vậy, trẻ cần được bổ sung thêm nước, bố mẹ có thể cho trẻ uống nước trái cây, nước lọc hoặc dung dịch oresol bù điện giải.
Biến chứng nguy hiểm
Nếu trẻ có những biểu hiện dưới đây, bố mẹ cần ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời.
- Sốt li bì không thuyên giảm
- Dùng thuốc hạ sốt nhưng vẫn sốt cao liên tục trong 2 ngày
- Thường xuyên đau bụng
- Tay chân lạnh
- Da bầm, môi tím tái
Nguồn : bau.vn