Nguyên nhân đau xương chậu khi mang thai
Xương chậu được cấu tạo chủ yếu từ 2 xương mu có hình cánh quạt cùng với vô số các dây chằng kết nối, đây cũng là đường ra duy nhất của thai nhi nếu mẹ sinh thường. Càng gần đến ngày lâm bồn mẹ bầu sẽ thấy dường như toàn bộ phần xương chậu bị nhão ra, các khớp trở nên lỏng lẻo hơn khiến dây chằng căng tức nhiều hơn. Tất cả những điều này tạo điều kiện cho thai nhi chui ra ngoài một cách dễ dàng hơn.
Áp lực và cảm giác khó chịu ở vùng xương chậu là “tác dụng phụ” thông thường của việc mang thai. Ngoài ra, điều này còn tùy thuộc vào vị trí, tư thế và cân nặng của thai nhi nữa.
Bạn cứ tưởng tưởng: Trước đây khu vực này là “vườn không nhà trống, giờ đây lại có một em bé cỡ 3-3,5kg, lớn hơn kích thước cho phép xin “tạm trú” nên việc tạo ra áp lực lên khu vực này là điều khó tránh khỏi. Áp lực lên vùng chậu, xung quanh tử cung sẽ ngày càng tăng lên theo quá trình phát triển của thai nhi và việc cơ thể phải “nới rộng ra” sẽ thực sự làm cho mẹ bầu đau đớn.
Để thích nghi với sự phát triển của thai nhi, tử cung của mẹ sẽ cần phải lớn theo. Và vì vậy mà tử cung sẽ cần “đất” rộng hơn để ở. Điều này sẽ làm gia tăng áp lực lên vùng xương chậu. Ngoài ra, dây chằng vùng xương chậu cũng sẽ phải giãn căng ra khi mang thai nên thai phụ sẽ càng thấy đau xương chậu
Thai 36 tuần, bé đã xoay đầu và ở vị trí thấp nhất, sẵn sàng chào đời. Đây sẽ là đỉnh điểm cho những cơn đau và cảm giác khó chịu ở mẹ bầu. Việc máu dồn về khu vực xương chậu nhiều hơn và các dây thần kinh hoạt động cao độ tại đây cũng sẽ làm tăng thêm cảm giác khó chịu.
Mẹ bầu gặp triệu chứng đau vùng xương chậu khi mang thai còn có thể xuất phát từ những nguyên nhân như sau:
- Mẹ mang giày cao gót nhiều. Vì vậy cần tránh mang các thể loại giày có gót, ưu tiên mang giày đế bằng và thấp
- Tư thế ngồi và đứng chưa đúng. Mẹ nên sử dụng một số nệm hỗ trợ khi cần.
- Mang vác vậy nặng ở một bên cơ thể
- Nhiều hoạt động có liên quan đến các cơ vùng chậu
- Khi cảm thấy đau hay không thoải mái, không thay đổi tư thế ngồi hay nằm
Đau xương chậu khi mang thai có nguy hiểm?
Ở một mức độ nào đó thì những cơn đau và áp lực là chuyện bình thường, tuy nhiên, các mẹ cũng cần biết mức độ “báo động”, sự can thiệp của y tế là điều rất quan trọng, nhất là áp lực vùng chậu trong thai kỳ.
Áp lực lên vùng chậu sẽ bắt đầu khá sớm và cảm giác không thoải mái sẽ xuất hiện khoảng một vài tháng sau. Khi cảm thấy có cơn đau nhói như thể vùng chậu thắt lại, mẹ bầu nên đi khám vì đây có thể là dấu hiệu co thắt chuyển dạ sớm.
Một số dấu hiệu nguy hiểm khác mà các mẹ bầu cũng cần lưu ý như chảy máu âm đạo, rỉ nước ối nhiều, chuột rút hay các cơn đau co thắt. Và nếu thấy bé có những chuyển động bất thường hay ngừng hoạt động, mẹ cần đi kiểm tra ngay.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ để được các bách sĩ sản khoa thăm khám, tư vấn nhằm đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn.
Cách khắc phục cơn đau dành cho mẹ bầu
Làm sao để khắc phục tình trạng đau xương chậu?
Không có một phương thức nào có thể điều trị hiện tượng đau xương chậu khi mang thai. Việc chữa trị chủ yếu là tìm cách làm giảm bớt áp lực cho khu vực xương chậu, xoa dịu các cơn đau cũng như hạn chế những vận động có thể làm cho tình trạng thêm trở nặng. Mẹ bầu có thể lựa chọn và áp dụng những cách sau đây:
- Sử dụng đai hỗ trợ: Có thiết kế rất đặc biệt dùng để nâng đỡ phần bụng ngày một lớn của thai phụ, giảm áp lực từ trọng lượng của thai nhi lên khung xương chậu, làm giảm tình trạng đau xương chậu khi mang thai.
- Tập luyện thể dục: Ngay từ khi mang thai, bầu nên tập luyện các bài tập nhẹ nhàng để tăng cường chức năng cột sống, bụng, vùng chậu, hông cũng như các cơ. Việc làm này có công dụng rất lớn, nó sẽ cải thiện sự ổn định của xương chậu và phần lưng.
- Massage, châm cứu: Liệu pháp này vừa giúp giảm đau vừa giúp mẹ bầu có những phút giây thư giãn. Tuy nhiên, bầu cần chú ý lựa chọn những nơi uy tín, đảm bảo.
- Chườm nước: Đắp những miếng gạc nóng và lạnh lên vùng bị bị đau cũng là một cách an toàn mà các mẹ có thể thử để giảm đau và cách này có thể thực hiện trong mọi tư thế từ đứng đến ngồi.
- Nằm nghiêng sang trái: Tư thế này không chỉ giúp máu từ động mạch chủ vào tử cung dễ dàng hơn, cung cấp nhiều oxy cho bé mà còn làm giảm áp lực hiệu quả.
- Di chuyển nhẹ nhàng: Trong mọi hoạt động bầu cần cẩn thận và nhẹ nhàng, nhất là khi thay đổi tư thế đứng, ngồi, nằm. Phân bổ đều trọng lượng trên cơ thể, tuyệt đối không ngồi bắt chéo hai chân sẽ làm gia tăng tình trạng đau xương chậu khi mang thai.
- Không đứng trên một chân: Việc làm này sẽ khiến các triệu chứng đau nhức trở nên nghiêm trọng hơn. Đặc biệt, khi thay quần bầu cần ngồi trên giường hoặc ghế cho hai chân vào rồi mới từ từ đứng dậy và kéo lên.
- Nghỉ ngơi nhiều: Bầu cần dành thời gian để nghỉ ngơi, không làm việc nhiều và quá sức.
- Tránh xa giày cao gót: Những đôi giày gót nhọn chỉ khiến mẹ bầu đi đứng khó khăn, dễ vấp ngã, hơn nữa khi mang thường xuyên còn khiến bầu bị đau lưng, đau xương chậu khi mang thai nhiều hơn.
Nguồn : bau.vn