Vận động khi mang thai

Từ xưa, người ta nghĩ ra đủ mọi điều kiêng kỵ cho phụ nữ có thai. Đến bây giờ, vẫn còn rất nhiều phụ nữ phân vân trước những lời răn dạy của bà, của mẹ. Vậy nên, họ không làm những công việc nhẹ khi mang bầu vì sợ ảnh hưởng tới em bé. Chúng ta nhận thấy một điều rằng, nhiều lời khuyên được đúc kết từ kinh nghiệm ấy rất có ích cho sức khỏe, tuy nhiên không phải tất cả lời khuyên đều đúng.

Nên lựa chọn lời khuyên
Hồng Hạnh mới mang thai tháng thứ 6 mà cô đã dừng hết mọi việc làm, kiêng cữ đủ thứ, nào là không được vận động nhiều, không được đi xe máy, không được xem phim nhiều, không được đi tập thể dục, không ăn cái này, không ăn cái kia,… Nói chung, cô được “cưng” như một đứa trẻ lên 3. Mọi công việc trong gia đình đều rơi vào tay Tùng (chồng Hạnh). Thỉnh thoảng, bà nội hay bà ngoại có sang giúp một chút rồi lại về ngay.
Khi được hỏi: “Tại sao bạn lại kiêng nhiều như vậy?”. Hạnh trả lời: “Mẹ mình bảo, mang bầu phải kiêng nhiều thứ lắm như: không được làm việc nhiều, không được cắt tóc, không được chụp ảnh, không được đi xe máy,… Mang thai, người mẹ nên nghỉ ngơi, vận động sẽ ảnh hưởng tới em bé trong bụng, nhất là đối với những phụ nữ sinh con lần đầu”.
Nghe lời mẹ, muốn con mình được khỏe mạnh, Tùng không để cho Hạnh đụng vào bất cứ công việc nào, từ việc nhỏ nhất là dọn dẹp nhà cửa tới rửa bát, giặt quần áo,… Chính vì thế, Hạnh càng có nhiều cơ hội chăm sóc bản thân mình nhiều hơn. Cô tăng những 16kg khi mang thai tháng thứ 6. Khi thấy mình tăng cân quá nhanh, vợ chồng Hạnh tới gặp bác sĩ thì được biết một trong những nguyên nhân tăng cân nhiều là do Hạnh lười vận động. Được bác sĩ tư vấn nên vận động nhẹ khi mang thai sẽ khỏe mạnh, không bị bệnh béo phì cho con và dễ dàng lấy lại dáng sau sinh cho mẹ, sau đó Hạnh mới siêng vận động và làm những việc nhẹ nhàng.






Lợi ích khi vận động
Trên thực tế, các bác sĩ khuyên phụ nữ nên vận động khi mang bầu. Điều đó sẽ giúp thai phụ tăng cường tuần hoàn máu, cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho thai nhi, giảm bớt mệt mỏi, giữ được tinh thần phấn chấn, tâm tư thoải mái. Vận động thường xuyên, nhẹ nhàng, hợp lý trong suốt thai kỳ còn giúp kích thích phát triển giác quan, hệ hô hấp của thai nhi. Vận động còn là bài tập mỗi ngày dành riêng cho cơ bắp, giúp thai phụ “khai hoa nở nhụy” dễ dàng hơn và nhanh lấy lại vóc dáng thon gọn sau khi sinh.
BS Ngọc Thanh (Khoa sản – BV Quân Đội 108) cho biết: Phụ nữ mang thai nên làm những công việc nhẹ nhàng, tập thể dục đúng cách cũng sẽ giúp bà Bầu khỏe mạnh và dễ sinh hơn. Ngược lại, những bà Bầu lười vận động, không làm bất cứ công việc gì dù nhẹ nhàng khi mang bầu, suốt ngày chỉ chú ý chăm sóc bản thân,… thì sức khỏe sẽ kém hơn những phụ nữ vận động.
Bà Bầu nên tham gia vào việc nhẹ sau:

Công việc:
– Bếp núc: Phụ nữ mang thai có thể nấu nướng trong bếp bình thường, nhưng cần lưu ý: Khi thai sớm có phản ứng (nghén), không nên vào bếp vì khói dầu và các khí khác ở trong bếp dễ gây buồn nôn. Trong bếp nhà bạn nên lắp thêm bộ phận lọc dầu, vì khói dầu không có lợi cho sức khỏe của thai phụ và còn ảnh hưởng không tốt tới thai nhi.
– Dọn nhà: Phụ nữ mang thai có thể lau và quét nhà như bình thường, chỉ không nên trèo cao để quét dọn hay lau cửa sổ, lau trần,…
– Giặt quần áo: Bạn vẫn có thể giặt quần áo bằng tay song cần chú ý không giặt bằng nước lạnh (đặc biệt vào mùa đông) để tránh bị cảm cúm. Mặt khác, phụ nữ mang thai cũng không nên giặt quá lâu để tránh đẻ non hoặc sảy thai.
Khi giặt quần áo, bạn nên đeo găng tay để tránh tiếp xúc với bột giặt. Trong bột giặt có nhiều muối natri gây phản ứng không tốt và còn chứa chất làm tổn hại đến trứng đã thụ tinh. Ở thời kỳ đầu mang thai, sức đề kháng của cơ thể giảm mạnh, rất mẫn cảm với chất dung môi. Vì vậy, khi giặt quần áo bằng bột giặt có chứa dung môi, bạn nên dùng nước xả thật sạch.

Đi làm:
 – Đi làm: Mang thai bạn vẫn đi làm bình thường, nên tránh những công việc nặng tại công sở như khiêng, vác. Tại đó, bạn sẽ cảm thấy hứng thú với các công việc và đồng nghiệp xung quanh, hơn hẳn việc bạn không làm gì, chỉ nằm ì trên giường. Bạn nên xin nghỉ việc ở công sở vào tuần thứ 32 của thai kì. Mỗi khi bị stress vì công việc, bạn có thể tự tìm cho mình một cách thư giãn hợp lý, ví dụ đi spa, hay đi xem phim, nghe nhạc.
– Du lịch: Mang thai bạn nên đi du lịch để nghỉ ngơi và thư giãn, nếu thai trên 32 tuần nên hạn chế đi xa, có thể tìm địa điểm du lịch gần để tránh mệt mỏi.
– Shopping: Phụ nữ mang bầu cũng nên siêng đi lại, nhất là đi bộ để cho cơ thể thoải mái mà lại khỏe cả mẹ và con. Bạn vẫn có thể đi xe máy, nên đi chậm, tránh những chỗ xóc, hay ổ gà,… Ngoài ra, thỉnh thoảng bạn cũng nên đi shopping. Đối với nhiều phụ nữ thì đi mua đồ cũng là một phương thức đi dạo. Khi mang thai cũng vậy, đi mua sắm sẽ khiến bạn có tâm trạng thoải mái dễ chịu cho mẹ và thai nhi.






Làm đẹp:
– Bạn vẫn có thể chụp ảnh, cắt tóc hay trang điểm khi mang bầu nhưng nên dùng những loại mỹ phẩm không gây kích ứng cho da, không có hại với thai nhi. Không nên nhuộm tóc khi mang bầu vì trong thuốc nhuộm tóc có chứa một số hóa chất có hại cho thai nhi.
– Mang thai cũng có thể đi spa để được chăm sóc da và thư giãn. Nên nhờ các chuyên gia tư vấn tại spa để chọn một cách chăm sóc da và thư giãn hiệu quả mà an toàn cho cả mẹ và bé.
Một thai kỳ khỏe mạnh thì sẽ có một thai nhi khỏe mạnh. Các bà Bầu hãy lựa chọn cho mình một cách vận động thích hợp, khỏe cho mẹ mà tốt cho bé. Không nên kiêng cữ quá nhiều thứ mà mình có thể làm được. Bạn nên thường xuyên tới bác sĩ để được tư vấn về chăm sóc sức khỏe thai phụ                                             

Nguyễn Vương

Nguồn : bau.vn