Bụi bẩn và hơi ẩm có thể khiến bộ máy ảnh ống kính rời DSLR đắt tiền của bạn hư hỏng. Tuy nhiên, chỉ cần dành một chút thời gian cho việc làm sạch từ bên ngoài cho đến các thành phần “phần cứng” cũng như “phần mềm” bên trong sẽ giúp máy ảnh của bạn hoạt động mượt mà và hiệu quả hơn.
Ngoài ra, việc vệ sinh bụi bẩn trên ống kính cũng như các vết dơ li ti trên cảm biến cũng sẽ giúp bạn tránh phải tốn nhiều thời gian và công sức để dùng phần mềm xử lý ảnh xóa chúng trên những bức ảnh độc đáo đã chụp. Việc kiểm tra ống kính, vệ sinh bên ngoài thân máy và các phần khác cũng giúp cho thiết bị làm việc tốt và có thể bắt kịp những khoảnh khắc hiếm có. Ngoài ra, việc kiểm tra firmware bên trong máy ảnh của bạn luôn được cập nhật cũng giúp các tính năng của máy hoạt động hiệu quả hơn.
Việc kiểm tra và vệ sinh từng thành phần rõ ràng sẽ tùy thuộc vào mức độ thường xuyên sử dụng máy ảnh của bạn và các điều kiện chụp. Chẳng hạn, nếu bạn thường xuyên chụp ảnh thì nên kiểm tra máy và các thành phần khác mỗi tháng một lần. Hay nếu phải chụp ở những môi trường bụi bặm thì nên kiểm tra thường xuyên hơn và vệ sinh mỗi lần sau khi chụp.
Dưới đây là 5 thành phần của bộ máy ảnh DSLR cần phải được vệ sinh thường xuyên và đúng cách để giữ cho chúng hoạt động hiệu quả hơn, bền bĩ hơn.
Thân máy
Bụi bẩn bên ngoài môi trường có vẻ không phải là một vấn đề lớn đối với máy ảnh, nhưng chúng có thể tìm được đường vào bên trong máy, dính vào cảm biến hoặc vào nhiều thành phần cơ khí hay điện tử khác, có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng hơn về lâu về dài.
Dùng tăm bông nhúng nước để vệ sinh ở những khu vực khó quét hoặc thổi.
Nếu ống kính không được gắn vào máy ảnh thì bạn nên dùng nắp đậy thân máy để giữ cho bụi không xâm nhập vào bên trong. Ngoài ra, nên dùng thiết bị thổi hoặc bàn chải mềm để quét sạch bụi bẩn trước khi bắt đầu sử dụng máy. Đặc biệt chú ý đến các khu vực khó quét hoặc thổi hơn, chẳng hạn như xung quanh ngàm ống kính, nắp đậy và kính ngắm .
Khi đã làm sạch bụi, bạn có thể sử dụng một miếng vải sạch, mềm, không có xơ để loại bỏ những vết bẩn dai dẳng hơn trên thân máy hoặc trên màn hình LCD. Bạn cũng có thể sử dụng tăm bông để làm sạch bất kỳ những góc khó tiếp cận và các đường rãnh. Đối với bụi bẩn đặc biệt “cứng đầu”, hãy nhúng nhẹ miếng vải mềm hoặc tăm bông vào trong nước cất trước khi lau.
Ống kính và kính lọc
Bụi, bẩn hoặc những giọt nước bám trên mặt kính của ống kính và kính lọc (filter) có thể tạo ra những đốm mờ trong ảnh, vì vậy bạn cần phải làm sạch những thành phần này, đặc biệt là nếu thường xuyên chụp trong điều kiện thời tiết xấu, môi trường nhiều bụi bẩn.
Dùng vải mềm để lau kính.
Các bước làm sạch ống kính tương tự như làm sạch thân máy ảnh, nhưng trong trường hợp này bạn cần phải đặc biệt cẩn thận để tránh làm trầy xước phần kính phía trước và phía sau ống kính. Một lần nữa, bước đầu tiên cần làm là quét hoặc thổi đi bụi bẩn một cách nhẹ nhàng để các hạt bụi không làm xước mặt kính khi bạn lau sạch bằng khăn.
Sau đó, có thể dùng một miếng vải mềm (thường là vải lông cừu) hoặc dùng loại khăn giấy thích hợp để lau kính. Bạn có thể cần phải sử dụng đến một số giải pháp làm sạch ống kính chuyên nghiệp để loại bỏ các vết bụi bẩn dai dẳng hơn. Có thể cho một vài giọt dung dịch rửa lên khăn giấy hoặc vải (không bao giờ nhỏ dung dịch trực tiếp vào ống kính), sau đó cẩn thận lau trên bề mặt của kính.
Cuối cùng, dùng khăn giấy hoặc vải sạch để lau lại. Bạn cũng có thể làm sạch filter bằng cách tương tự, nhưng cần phải đặc biệt cẩn thận với loại filter bằng nhựa vì chúng thường dễ bị trầy xước hơn so với filter bằng thủy tinh.
Cảm biến
Bụi bẩn có thể dễ dàng tìm đường vào bên trong máy ảnh của bạn và tạo ra các điểm chấm li ti trên hình ảnh. Đây là những điểm đặc biệt dễ thấy nhất nếu bạn chụp ở khẩu độ nhỏ và với ống kính góc rộng. Khâu làm sạch bên trong máy ảnh cần phải được thực hiện một cách thật cẩn thận và sử dụng những công cụ phù hợp, nếu không bạn có thể làm hại nhiều hơn lợi. Nhưng dù sao thì các bước này cũng khá đơn giản để làm.
Dùng bàn chải được thiết kế riêng để làm sạch cảm biến.
Trước tiên, bạn cần phải thực hiện thao tác chuyển sang chế độ “Mirror lock-up cleaning mode” cho máy ảnh, thường được tìm thấy trong trình đơn Setup của hầu hết các mẫu máy, và sau đó làm theo hướng dẫn trên máy để kích hoạt tính năng này. Sau đó, lấy ống kính ra khỏi thân máy và giữ cho máy với phần mở ống kính hơi úp xuống phía dưới để tránh bụi bay vào.
Đối với bước làm sạch cơ bản, hãy sử dụng dụng cụ thổi khí để đánh bật mọi bụi bẩn. Đối với bụi cứng đầu hơn, bạn có thể sử dụng một bàn chải được thiết kế riêng để làm sạch cho cảm biến, quét nhẹ một cách cẩn thận để lau chùi bề mặt cảm biến.
Nhưng nếu cảm biến có dấu hiệu nước phun hoặc ngưng tụ, bạn sẽ cần phải sử dụng một tăm bông sạch, ướt để chùi. Điều quan trọng là miếng bông phải có kích thước phù hợp với cảm biến của máy và phải thực hiện một cách thật cẩn thận và nhẹ nhàng. Thông thường, bạn có thể nhỏ một hoặc hai giọt dung dịch chuyên làm sạch cảm biến lên miếng bông và sau đó nhẹ nhàng lau nó trên cảm biến theo một chiều, sau đó trở lại theo một chiều khác.
Sau mỗi lần làm sạch, bạn có thể kiểm tra xem các chất bẩn đã được gỡ bỏ hay chưa bằng cách chụp ảnh một tờ giấy trắng ở khẩu độ nhỏ, chẳng hạn như f/22, sau đó xem ảnh trên màn hình máy ảnh hoặc trên màn hình máy tính có còn bị các chấm li ti nữa không. Nếu vẫn còn có những điểm, hãy lặp lại các bước lau chùi bằng một tăm bông mới.
Các phụ kiện
Thậm chí nếu bạn giữ cho máy ảnh và ống kính của mình luôn sạch sẽ, nhưng nên nhớ là bụi bẩn trong túi máy ảnh có thể xâm nhập vào trong máy. Ngoài ra, các khóa điều khiển trên chân máy (tripod) của bạn có thể bị kẹt nếu chúng ướt hoặc bám đầy bụi bẩn. Mặc dù phụ kiện máy ảnh không phải là những thành phần mong manh như thân máy hoặc ống kính, nhưng việc làm sạch thường xuyên sẽ giúp chúng sử dụng lâu bền hơn. Đối với hầu hết các sản phẩm này, chỉ cần đơn giản lau chùi bụi bẩn hoặc nước để làm sạch.
Chân máy thường là bộ phận được đặt ở những nơi bẩn đầy bụi, nước hoặc cát.
Đầu tiên là chân máy. Đây là một bộ phận thường được đặt ở những nơi đầy bụi bẩn, nước và cát, đặc biệt là nếu bạn thường chụp ở bờ biển hoặc môi trường khắc nghiệt khác. Nếu vậy, bạn có thể cần phải rửa toàn bộ chân máy bằng nước sạch; sau đó, để giảm nguy cơ ăn mòn, hãy sử dụng một lượng nhỏ hóa chất bôi trơn trên các bộ phận kim loại chẳng hạn các khóa điều khiển.
Cuối cùng, hãy xem xét đến chiếc túi máy ảnh của bạn. Nên làm sạch cả bên trong và bên ngoài túi. Trước tiên, cần lấy tất cả đồ đạc trong túi ra, sau đó lau chùi bên ngoài rồi úp ngược túi xuống để lắc bụi bẩn bên trong ra. Hoặc bạn cũng có thể sử dụng máy hút bụi để làm sạch bên trong túi.
Thẻ nhớ và firmware
Tương tự máy tính, hệ điều hành của máy ảnh (được gọi là firmware) cần phải được cập nhật để cài đặt các tính năng mới và thậm chí để khắc phục một vài lỗi của phiên bản trước. Đồng thời, thẻ nhớ là nơi lưu trữ những hình ảnh cũng cần phải được dọn dẹp để có thể tăng dung lượng và truy xuất nhanh hơn.
Trước tiên, cần phải kiểm tra phiên bản firmware đang được cài đặt trong máy ảnh, thường được tìm thấy bằng cách vào trình đơn Setup và di chuyển đến mục “Firmware version”. Tiếp theo, hãy vào trang web của nhà sản xuất máy ảnh và cố gắng tìm firmware mới nhất có sẵn cho model máy ảnh của bạn.
Bạn có thể tìm thấy trong mục Download hoặc phần Support hỗ trợ của trang web, sau đó bạn sẽ thấy model máy ảnh của mình trong danh sách. Nếu có một phiên bản mới hơn so với phiên bản trên máy ảnh, bạn sẽ cần phải tải firmware về máy tính, sau đó sao chép vào thẻ nhớ có định dạng phù hợp với máy ảnh. Cuối cùng, lắp thẻ vào máy ảnh, vào màn hình firmware một lần nữa và làm theo hướng dẫn để cập nhật firmware. Một khi đã hoàn tất, bạn sẽ cần phải tắt máy, tháo thẻ, sau đó bật máy ảnh lại và kiểm tra xem phiên bản phần mềm được cài đặt phù hợp với phiên bản đã tải về từ trang web.
Đối với thẻ nhớ, bạn có thể sao lưu tất cả hình ảnh của mình vào máy tính, sau đó lắp thẻ nhớ vào máy ảnh rồi định dạng (format) lại để ‘làm mới’.
Theo Zing.vn
Nguồn : bau.vn