Người cầu toàn hay người theo chủ nghĩa hoàn hảo luôn đặt ra những kỳ vọng cao đối với bản thân và với mọi thứ xung quanh. Bạn có thể dễ dàng nhận biết bản thân mình hoặc ai đó có phải là người cầu toàn hay không bởi những dấu hiệu rất đặc trưng sau đây.
1. Luôn đặt mục tiêu cao
Người cầu toàn có xu hướng đòi hỏi cao về bất cứ điều gì họ làm. Họ luôn bị ám ảnh về chủ nghĩa hoàn hảo vì vậy họ luôn tuân theo một quy trình khắt khe vì muốn công việc gì mình làm cũng phải rất tốt. Họ tin rằng chính những tiêu chuẩn họ đặt ra này sẽ là nấc thang giúp họ đạt được sự hoàn hảo và hiệu quả mà không thể giành được bằng cách nào khác. Tuy nhiên, điều này có thể gây cản trở trong công việc, họ sẽ gặp khó khăn trước những tình huống đòi hỏi sự linh hoạt.
2. Bị ám ảnh bởi sai lầm và thất bại
Những người theo chủ nghĩa hoàn hảo thường khao khát nhận được sự kỳ vọng của mọi người vì họ muốn thể hiện bản thân là người có năng lực. Tuy nhiên, họ cũng mắc chứng nhạy cảm và có nỗi sợ cực độ với những đánh giá tiêu cực từ người khác. Khi có vấn đề không hay xảy ra trong cuộc sống, người cầu toàn thường bị ám ảnh nặng nề hơn so với người bình thường. Vì thế, họ rất dễ bị stress khi liên tục nghiêm trọng hóa lỗi lầm của bản thân.
3. Luôn muốn làm hài lòng người khác
Người cầu toàn trong công việc luôn muốn nhận được sự khen ngợi của sếp hay đồng nghiệp ở bất cứ công việc gì họ làm. Họ thường luôn nhắc mình phải đạt được mục tiêu bằng mọi giá và không gì có thể làm họ hạnh phúc hơn là làm hài lòng người khác (hoặc chính mình).
4. Cố gắng kiểm soát tất cả mọi thứ
Người cầu toàn là người luôn tin tưởng rằng sự hoàn hảo có thể đạt tới được và nó nên đạt được. Vì vậy, họ luôn gồng mình để đặt mọi thứ trong tầm kiểm soát, làm cả những công việc không liên quan để thiết lập nên một trật tự. Tuy nhiên, khó có ai có thể dự đoán cũng như lường trước được mọi việc diễn ra trong tương lai. Vậy nên, việc kiểm soát mọi thứ đôi khi có thể dẫn tới cảm giác chán nản khi công việc không đạt được như dự định đã đề ra.
5. Người cầu toàn tìm kiếm sự cân bằng
Người cầu toàn cảm thấy được là chính mình nhất trong môi trường không có quá nhiều căng thẳng. Nơi chốn lý tưởng trong mắt bạn chính là một nơi không có tranh chấp, mâu thuẫn và mọi việc diễn ra theo một trật tự cân bằng, mang lại cảm giác bình yên.
Bạn chỉ thấy thật sự an toàn và thoải mái khi ở trong một sự cân bằng với các mối quan hệ hòa hợp. Khi trục trặc xuất hiện tại nơi làm việc hay trong gia đình, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy bất an vì có vẻ như mọi thứ không trơn tru như mình mong muốn.
6. Người cầu toàn cân nhắc thận trọng
Cũng do suy nghĩ sợ thất bại nên người cầu toàn sẽ thường rất đắn đo và mất nhiều thời gian để chọn ra giải pháp tối ưu dẫn đến kết quả tốt nhất. Trong nhiều trường hợp phải lựa chọn “nên” trải nghiệm thử thách mới và “không nên” vì sẽ có rủi ro, bạn có thể sẽ suy nghĩ rất lâu rồi đi đến quyết định an toàn để đảm bảo mọi chuyện vẫn tốt đẹp.
7. Người cầu toàn thích làm chậm mà chắc
Với phương châm “chậm mà chắc”, người cầu toàn luôn cần có nhiều thời gian để hoàn thành công việc. Ngay cả khi bạn đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, vẫn có gì đó thôi thúc bạn phải tiếp tục hoàn thiện hoặc kiểm tra lại những điều mình vừa làm xong.
8. Định giá trị của mình bằng kết quả công việc
Người cầu toàn hay định nghĩa giá trị của bản thân họ bằng những thành công đạt được và thường cảm thấy hụt hẫng hoặc thất vọng nếu như kết quả không như mong đợi. Họ thường chỉ tập trung vào những thứ chưa làm được và luôn bị thôi thúc phải vượt qua chính mình. Vì vậy, họ thường bị cho là “tham công tiếc việc” và quá khắt khe với bản thân.
9. Bị ảnh hưởng bởi những lời nói xung quanh
Do luôn muốn làm người khác hài lòng nên những người đam mê chủ nghĩa cầu toàn hay bị ảnh hưởng quá nhiều bởi những lời nói xung quanh, thậm chí là những lời nói xấu sau lưng. Thay vì đứng dậy sau những vấp ngã và thất bại, những người này thường bị ảnh hưởng nặng nề bởi những tư tưởng tiêu cực. Chính vì vậy, họ dễ chán nản và mệt mỏi.
Nguồn : bau.vn