Mẹ bầu có nên uống thuốc chống say tàu xe?
Say tàu xe là một phản ứng bình thường trước những kích thích xảy ra khi đi tàu xe mà bản thân không thích nghi được. Nguyên nhân của hiện tượng này là do bộ phận nhạy cảm giữ thăng bằng trong tai bị kích thích khác thường. Hoặc do não bộ nhận tín hiệu từ mắt nhưng không đồng nhất với tín hiệu từ tai. Đây là một dạng chóng mặt mà những triệu chứng tự động đóng vai trò chủ đạo. Các triệu chứng bao gồm: Buồn nôn, nôn ói, tái mặt, đổ mồ hôi, nhiều nước bọt, ngáp, khó chịu, khó thở sâu và mạnh.
Đặc biệt vào giai đoạn mang thai, cơ thể người phụ nữ trở nên nhạy cảm hơn rất nhiều. Thậm chí, mẹ bầu có thể say xe mặc dù trước đây chưa từng gặp phải tình trạng này. Nhiều mẹ bầu bày tỏ sự lo lắng do bắt buộc phải di chuyển, nhưng đắn đo về những loại thuốc chống say xe trước đây mình từng sử dụng. Hoặc có chị em đã lỡ sử dụng thuốc say xe vì không biết mình đã mang bầu. Liệu thuốc say xe có gây nguy hiểm đến sức khỏe thai nhi?
Bà bầu cẩn thận với thuốc chống say xe
Các bác sĩ cho biết, bản chất của loại thuốc chống say tàu xe có tác dụng kháng histamin, chủ yếu chống chóng mặt, buồn nôn và nôn. Hiện nay, trên thị trường tồn tại nhiều loại thuốc say tàu xe khác nhau và một số loại chống chỉ định với phụ nữ mang thai và cho con bú. Tuy hiện nay chưa có những nghiên cứu cụ thể về tác hại của thuốc say xe đối với bà bầu. Nhưng để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và giúp thai nhi phát triển bình thường, y học khuyến cáo chị em không nên sử dụng thuốc chống say tàu xe.
Trong đó, bác sĩ nghiêm cấm không cho bà bầu sử dụng thuốc say xe có chứa Scopolamine. Dù thuốc không đặc biệt gây hại cho thai nhi, nhưng có thể gây ra các tác dụng phụ như chóng mặt, run rẩy, mệt mỏi và tạo ra những nguy cơ khác. Và đặc biệt, phụ nữ mang thai không nên tự ý sử dụng bất cứ loại thuốc chống say tàu xe nào khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Biện pháp chống say tàu xe cho mẹ bầu
Theo các bác sĩ chuyên khoa, say xe sẽ dẫn đến hiện tượng nôn ói, mất nước và chất điện giải trong cơ thể. Bên cạnh đó, khi nôn ói sẽ làm co thắt cơ trơn đường ruột, cơ thành bụng và tăng áp lực bên trong ổ bụng dễ đưa đến dọa sảy thai hoặc thậm chí là sảy thai với những trường hợp thai có bóc tách túi thai trước đó. Bởi vậy, khi buộc phải di chuyển bằng tàu xe nhưng không dùng thuốc, mẹ bầu nên trang bị những phương pháp chống say xe khác an toàn, hiệu quả hơn.
Huyệt nội quan
Huyệt hợp cốc
Bấm huyệt nội quan và huyệt hợp cốc là cách khá hiệu quả, nhanh chóng khi mẹ bầu không có thời gian chuẩn bị các phương pháp chống say xe khác. Khi có cảm giác say xe, hành động này sẽ giúp thông báo tới não bộ và giảm triệu chứng nôn ói hiệu quả. Bên cạnh đó, mẹ bầu hãy nhìn ra xa và đeo khẩu trang. Khi nhìn ra xa, bạn sẽ lập tức truyền tín hiệu tới não về việc đang di chuyển, từ đó giúp cải thiện cảm giác buồn nôn, khó chịu… đồng thời, bạn có thể thêm vỏ cam, chanh, hoặc lõi bánh mì vào bên trong khẩu trang sẽ lấn át được mùi xăng dầu trên xe.
Vỏ chanh át mùi tàu xe hiệu quả
Trước đó, nếu lo ngại về tình trạng say xe của mình, bà bầu hãy bổ sung thêm vitamin B6 sẽ giúp hạn chế say xe khi mang thai. Ngoài ra, khi đi xe mẹ bầu nên lựa chọn trang phục thoải mái tránh gây chèn ép bộ phận nào trên cơ thể sẽ làm xuất hiện triệu chứng nôn ói; ngủ đủ giấc, không ăn quá no trước khi khởi hành; nếu đi xe riêng bạn có thể hé một ít cửa kính để không khí trong xe thoáng hơn.
Chị em nên lựa chọn vị trí càng cách xa đuôi xe càng tốt. Vị trí này sẽ ít bị xóc và ít bị chi phối bởi những tình huống trên xe. Đặc biệt, mẹ bầu nên hạn chế những chuyến đi có thời gian di chuyển lâu từ 6 tiếng trở lên. Để tránh tình trạng tụ máu ở chân và khung xương chậu.
Ngoc Mai (Theo Như Quỳnh)
Nguồn:https://baosuckhoecongdong.vn/ba-bau-uong-thuoc-say-xe-141419.html
Nguồn : bau.vn