Một số cha mẹ không biết bắt đầu dạy con kỹ năng tự vệ từ đâu. Nếu bạn đang tìm kiếm một phương pháp hiệu quả, bạn có thể tham khảo các ý sau đây:
Chơi trò nhập vai
Một cách để dạy trẻ thực sự hiệu quả là đưa ra các giả định về tình huống này. Hãy tạo ra những tình huống giống với thực tế, ví dụ như một người lạ hỏi trẻ có muốn đi nhờ không, hoặc ai đó đang nói những lời không tốt… Hãy giúp trẻ cách nhận biết tình huống xấu để báo với người thân, báo với bố mẹ ngay khi có thể.
Nhận biết đâu là nơi an toàn, người an toàn để nhờ cậy
Khi không có bố mẹ ở bên, một điều quan trọng là bạn cần cho con biết sẽ phải đi đâu, gặp ai nhờ giúp đỡ trong tình huống đó. Để cải thiện khả năng tự vệ của trẻ, hãy hướng dẫn con đến đồn cảnh sát, trung tâm mua sắm đông đúc hoặc những nơi công cộng, có đông người qua lại, không đứng một mình nơi vắng vẻ. Những người con có thể nhờ cậy là cảnh sát, công an, bộ đội, giáo viên… Đó là những nơi mà con nên đến, những người mà con có thể tin tưởng nhờ giúp đỡ nếu không may không có bố mẹ ở bên cạnh.
Hãy giúp trẻ cách nhận biết tình huống xấu để báo với người thân, báo với bố mẹ ngay khi có thể.
Nhớ thông tin liên lạc trong tình huống khẩn cấp
Điều quan trọng là nói cho con bạn số điện của trung tâm khẩn cấp, của người thân, gia đình. Bạn cần đảm bảo con nhớ các thông tin này để khi cần có thể nhờ điện thoại báo bố mẹ. Khi con nắm vững những thông tin này, con sẽ tự tin hơn trong những tình huống nguy hiểm.
Giáo dục giới tính cho trẻ
Một trong những điều quan trọng không kém chính là việc trẻ em cần phải được dạy về việc cơ thể mình người khác không được tự ý chạm vào. Họ cần biết bộ phận nào nhạy cảm và nếu có ai đó cố tình xâm phạm là không được. Hãy giải thích cho con các vấn đề về giáo dục giới tính, có những vùng thuộc về “cá nhân” và không ai được chạm vào đó.
Hành động theo bản năng
Trẻ em nhạy cảm hơn người lớn, vì vậy, cách tốt nhất để dạy trẻ là chú ý đến trực giác của chúng. Hãy cho con hiểu, con sẽ không bao giờ bị chỉ trích nếu nhờ cậy sự giúp đỡ khi cảm thấy không an toàn, không vui vẻ vì một người nào đó. Nếu con cảm thấy khó chịu hay sợ hãi, hãy cứ báo với người thân càng sớm càng tốt.
Hãy giải thích cho con các vấn đề về giáo dục giới tính, có những vùng thuộc về “cá nhân” và không ai được chạm vào đó.
Hét to
Bố mẹ hãy dạy con hét thật to khi con bị một người lạ tiếp cận và không biết phải làm gì. Một số cụm từ trẻ nên áp dụng khi hét to là: “Tôi không biết cô/chú/bác là ai”… Đi kèm với đó là hành động chống cự cần thiết để tự bảo vệ mình. Khi đó, những người xung quanh chắc chắn sẽ để ý và biết rằng đối phương không phải là bạn, không phải là người quen của trẻ. Họ sẽ hỗ trợ và giúp đỡ trẻ.
Có những “mật khẩu” trong liên lạc
Một ý tưởng khác mà bố mẹ và con cái nên áp dụng chính là thiết lập những “mật khẩu” riêng chỉ những người thân mới biết để có thể xác minh xem ai là người an toàn. Nếu người đó không nói đúng những thông tin đã từng được trao đổi trước đó giữa bố mẹ và con cái, không nói đúng những mật khẩu thì sẽ không được phép đi bất cứ đâu với họ.
Nếu con cảm thấy khó chịu hay sợ hãi, hãy cứ báo với người thân càng sớm càng tốt.
Hãy bắt đầu dạy con những điều nhỏ bé ngay từ hôm nay. Bất cứ khi nào con bạn không may gặp một người lạ, bạn cũng sẽ cảm thấy yên tâm hơn vì con có thể phần nào xử lý được tình huống đó.
Không hiếm những sự việc đau lòng xảy ra khi trẻ bị người dạ dụ dỗ, tấn công. Đừng ngồi im và nghĩ “Chắc con mình sẽ không sao”. Dạy con cảnh giác với người lạ không bao giờ là muộn, là thừa mẹ nhé.
An An
Nguồn: http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/day-con-ky-nang-song-chua-bao-gio-la-muon-nhat-la-de-con-canh-giac-truoc-nguoi-la-a170857.html
Nguồn : bau.vn