Theo thống kê, có từ 2 – 10% mẹ bầu có nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ . Bệnh này có thể dẫn đến những biến chứng cho mẹ và con. Hãy cùng Bau.vn tìm hiểu kỹ hơn về khái niệm bệnh đái tháo đường thai kỳ, nguyên nhân cũng như các dấu hiệu nhận biết.
Bệnh đái tháo đường thai kỳ là gì?
Bệnh đái tháo đường thai kỳ là tình trạng lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường và xảy ra trong quá trình mang thai từ tuần thai 24 – 28. Đái tháo đường thai khi nếu không được phát hiện sớm sẽ ảnh hưởng đến cả mẹ và con. Vì vậy, khám thai định kỳ và kiểm tra đường huyết thường xuyên giúp mẹ bầu đảm bảo sức khỏe cho mẹ và con trong suốt thai kỳ.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh đái tháo đường thai kỳ
Khi chúng ta ăn, cơ thể sẽ phân hủy carbohydrate từ thực phẩm thành một loại đường mang tên glucose. Đường này đi vào máu, sau đó di chuyển đến các tế bào để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Một cơ quan gọi là tuyến tụy tạo ra loại hormone có tên insulin, giúp vận chuyển đường vào các tế bào cũng như làm giảm lượng đường trong máu.
Trong thời kỳ mang thai, nhau thai – cơ quan nuôi và cung cấp oxy cho em bé – tiết ra các hormone giúp thai nhi phát triển. Một vài hormone trong số này khiến cơ thể thai phụ khó sản xuất hoặc sử dụng insulin hơn (còn gọi là đề kháng insulin).
Để giữ lượng đường trong máu ổn định, tuyến tụy của thai phụ phải tạo ra nhiều insulin hơn – gấp ba lần bình thường. Trong trường hợp tuyến tụy không thể tạo ra đủ insulin, lượng đường trong máu thai phụ sẽ tăng lên, gây ra bệnh đái tháo đường thai kỳ.
Dấu hiệu nhận biết như thế nào?
Triệu chứng bệnh đái tháo đường thai kỳ thường không có biểu hiện rõ ràng, nhưng mẹ bầu sẽ gặp một số biểu hiện giống những người mắc bệnh đái tháo đường:
- Luôn cảm thấy khát nước và đi tiểu nhiều.
- Vùng kín bị nấm men, ngứa ngáy, khó chịu,…
- Khó lành các vết trầy xước, vết thương.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Cơ thể cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng và kiệt sức.
- Nước tiểu có nhiều kiến bâu,…
Đối tượng dễ mắc bệnh đái tháo đường khi mang thai
Những phụ nữ mang bầu gặp 1 trong các vấn đề dưới đây thì sẽ dễ mắc bệnh đái tháo đường trong những ngày thai kỳ:
- Bị thừa cân – béo phì trước khi mang thai;
- Tăng cân rất nhanh trong thai kỳ;
- Có người thân (cha mẹ, anh chị em) mắc bệnh tiểu đường tuýp 2;
- Có lượng đường trong máu cao, nhưng chưa đủ để được chẩn đoán đái tháo đường. Hiện tượng này được gọi là tiền tiểu đường;
- Có tiền sử mắc bệnh ở lần mang thai trước;
- Trên 35 tuổi;
- Từng sinh một hoặc nhiều bé nặng hơn 4kg;
- Từng bị thai lưu, sinh con bị dị tật, sinh non;
- Đã hoặc đang bị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
Phòng tránh đái tháo đường thai kỳ
Không có biện pháp phòng ngừa tình trạng đái tháo đường khi mang thai tuyệt đối. Nhưng nếu bạn duy trì thói quen và lối sống lành mạnh trước/trong khi mang thai, nguy cơ mắc bệnh sẽ giảm đáng kể.
Ngoài ra, trong trường hợp bạn từng bị bệnh từ trước, việc tuân thủ những thói quen lành mạnh sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh trong những lần mang thai kế tiếp hoặc phát triển thành bệnh đái tháo đường tuýp 2 trong tương lai.
Đây là những biện pháp giúp phòng tránh hiệu quả:
- Chọn thực phẩm có lợi cho sức khỏe: thực phẩm giàu chất xơ, ít chất béo và calo như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt.
- Vận động thường xuyên: Hãy dành 30 phút vận động hợp lý, nhẹ nhàng mỗi ngày.
- Giữ cân nặng hợp lý khi có ý định mang thai: Thừa cân – béo phì tiền mang thai là căn nguyên của một loạt vấn đề sức khỏe xảy đến trong thai kỳ, chẳng hạn như đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật, sinh non.
- Tránh tăng cân hơn mức khuyến nghị trong thời kỳ mang thai: Việc tăng cân quá nhanh sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, nhất là với những thai phụ thừa cân trước khi mang thai.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về bệnh đái tháo đường thai kỳ. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn nhiều thông tin bổ ích.
Nguồn : bau.vn