Bệnh tổ đỉa ở trẻ em là bệnh gì? có nguy hiểm không?

Bệnh tổ đỉa có thể xảy ra với trẻ ở bất kỳ độ tuổi nào. Bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tâm lý của bé. Mẹ cần kịp thời phát hiện và có cách điều trị thích hợp để tránh ảnh hưởng xấu đến tinh thần và sức khỏe của con yêu.

Tổ đỉa ở trẻ em là bệnh gì? Có nguy hiểm không?

Bệnh tổ đỉa ở trẻ em là một dạng đặc biệt của bệnh chàm – eczema. Bệnh được đặc trưng bởi sự xuất hiện các mụn nước li ti, mọc sâu dưới lớp da dày, cứng, khó vỡ. Các mụn nước này khu trú chủ yếu ở bàn tay, bàn chân, các ngón và kẽ ngón tay, chân và không bao giờ mọc quá cổ tay, cổ chân. Lớp da bị tổn thương do bệnh tổ đỉa thường sẽ bong tróc, dày sừng, làm trẻ ngứa ngáy, khó chịu.

Với người lớn, bệnh tổ đỉa có thể không quá nguy hiểm và vẫn trong một giới hạn chịu đựng nào đó. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, bệnh tổ đỉa thường kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm hơn.

Bệnh tổ đỉa ở trẻ em

Các mụn nước mọc lên ngày càng nhiều khiến trẻ ngứa ngáy, quấy khóc, bỏ bú, bỏ ăn. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến sức đề kháng của trẻ giảm sút, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus tấn công gây bệnh.

Hơn nữa, do có làn da mỏng manh hơn người lớn, nên khi bị tổn thương do bệnh tổ đỉa, hàng rào bảo vệ da của trẻ dễ bị suy giảm, dẫn đến bội nhiễm.

Nghiêm trọng hơn với những trường không được can thiệp điều trị, vệ sinh đúng cách, thường xuyên cào gãi, trẻ dễ dàng đối mặt với các biến chứng:

  • Tổ đỉa bội nhiễm: Da trẻ có thể bị bội nhiễm, ứ mủ, đau nhức và sưng tấy nặng, dẫn đến các triệu chứng toàn thân như nổi hạch bạch huyết, sốt cao, co giật…
  • Lichen hóa: Là hệ quả do trẻ thường xuyên cào gãi, chà xát mạnh lên vùng da bị bệnh khiến da dày sừng, thâm nhiễm, nổi cộm và ngứa ngáy dai dẳng. Biến chứng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến ngoại hình, khiến trẻ tự ti, mặc cảm kéo dài.

Nguyên nhân gây ra bệnh tổ đỉa ở trẻ em

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tổ đỉa ở trẻ em, cụ thể như:

  • Do yếu tố di truyền: Nếu bố hoặc mẹ mắc bệnh tổ đỉa thì nguy cơ trẻ bị bệnh tổ đỉa cũng cao hơn so với bình thường và có thể tái phát bệnh nhiều lần.
  • Dị ứng thời tiết: Các chuyên gia tin rằng những trẻ có cơ địa bị dị ứng thời tiết thì sẽ dễ mắc bệnh tổ đỉa hơn. Đặc biệt là những lúc chuyển mùa, khi thời tiết trở nên hanh khô ẩm mốc thì làn da của con rất dễ bị kích ứng.

Trẻ có cơ địa bị dị ứng thời tiết thì sẽ dễ mắc bệnh tổ đỉa hơn

  • Dị ứng thực phẩm: Không có loại thực phẩm nào gây ra bệnh tổ đỉa. Tuy nhiên, một số thực phẩm khi ăn vào có thể khiến tình trạng bệnh chuyển nặng hơn nếu trẻ đã mắc bệnh. Một số loại thực phẩm liên quan đến bệnh tổ đỉa bao gồm sữa bò, trứng, sản phẩm từ đậu nành, cá và động vật có vỏ.
  • Một số nguyên nhân khác có thể gây ra bệnh tổ đỉa ở trẻ em như: trẻ có cơ địa nhạy cảm khi tiếp xúc với bụi bẩn, phấn hoa, lông động vật… hoặc trẻ bị dị ứng với nhiều loại hóa chất có trong bột giặt, sữa tắm… cũng dễ bị mắc bệnh tổ đỉa.

Dấu hiệu nhận biết bệnh tổ đỉa ở trẻ em

Khác với người lớn, bệnh tổ đỉa có tính nguy hiểm và nghiêm trọng hơn đối với trẻ em. Vì vậy, cha mẹ không nên chủ quan. Ngay khi nhận thấy trẻ có những dấu hiệu mắc bệnh tổ đỉa dưới đây, các phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời:

  • Nổi mụn nước trên da: Các mụn nước li ti, có màu trắng đục, kích thước nhỏ từ 1 – 3mm, mọc thành từng đám là triệu chứng đầu tiên để nhận biết bệnh tổ đỉa ở trẻ. Các mụn nước này rất khó vỡ, chỉ xẹp đi rồi chuyển sang màu vàng, khi sờ vào có cảm giác rất chắc chắn, nổi cộm trên bề mặt da trẻ.
  • Vị trí nổi mụn: Mụn nước thường tập trung ở các lòng bàn tay, bàn chân, các ngón và kẽ ngón. Một số trường hợp hiếm gặp, mụn nước có thể xuất hiện ở mu bàn tay, mu bàn chân và hầu như không bao giờ vượt quá cổ tay, cổ chân.
  • Ngứa ngáy: Sự xuất hiện của các mụn nước khiến trẻ ngứa ngáy khó chịu. Do chưa nhận thức được sự nguy hiểm của bệnh nên trẻ thường xuyên cào gãi khiến các mụn nước vỡ ra làm bệnh nặng hơn.
  • Đỏ da: Làn da bị tổn thương thường bị sưng tấy, xuất hiện các vảy bao bọc xung quanh. Nếu trẻ gãi thường xuyên, da rất dễ bị lở loét, tổn thương, bội nhiễm.
  • Nóng sốt: Thường xuất hiện trong những trường hợp bệnh nặng.
  • Quấy khóc, bỏ ăn, bỏ bú…

Trên đây là một số thông tin về bệnh tổ đỉa ở trẻ em, cha mẹ cần phải biết để phòng ngừa và điều trị cho trẻ. Mặc dù là bệnh viêm da lành tính, tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên chủ quan. Cần đưa trẻ đến thăm khám và chẩn đoán kịp thời với bác sĩ ngay khi có những dấu hiệu ban đầu của bệnh.

Nguồn : Sức khỏe cộng đồng