Chăm sóc da khi mang thai

Quá trình thai nghén sẽ làm làn da của bạn bị rối loạn. Một số lượng lớn các hormone hoạt động mạnh mẽ trong toàn cơ thể sẽ gây ra nhiều biến đổi cho da như nám da, ngứa da hay gây mụn.
Sau đây là một số giải pháp giúp cải thiện làn da khi bạn mang thai cùng những lời khuyên về những loại mỹ phẩm nào nên và không nên sử dụng khi bạn mang thai.

1. Mụn:

Quá trình thai nghén có thể kích hoạt việc gây mụn hay làm cho các mụn đang có sẵn trên da trở nên tệ hại hơn, do các hormone androgen tăng cao hơn rất nhiều so với bình thường, kích thích các tuyến dầu và làm bít lỗ chân lông. Điều này tạo cơ hội cho vi khuẩn phát triển và gây mụn. Trong suốt quá trình mang thai, mụn có thể phát triển ở nhiều mức độ khác nhau, từ mức độ vừa phải đến mức nghiêm trọng.

Giải pháp:
Hãy rửa mặt hai lần một ngày với loại sửa rửa mặt nhẹ. Nếu bạn cần một loại kem dưỡng ẩm, hãy sử dụng loại không chứa dầu và không hương thơm. Hãy tránh các loại rửa mặt có tác động cọ rửa quá mức vì các loại này sẽ làm da thêm xấu hơn khi phát tán các loại vi khuẩn trên diện rộng và gây ra tình trạng viêm nhiễm nhiều hơn.

Hãy hỏi ý kiến bác sĩ xem loại sản phẩm kê toa để trị mụn nào là an toàn đối với phụ nữ đang mang thai. Nếu tình trạng mụn trở nên trầm trọng, bác sĩ da liễu có thể kê đơn cho bạn một loại thuốc thoa hay kem có chứa kháng sinh nhẹ chỉ có tác dụng cục bộ.

Cần tránh:  

– Loại thuốc trị mụn Accutance – một loại dẫn xuất của vitamin A và thuộc họ retinoid – được khuyến cáo không nên sử dụng cho thai phụ cũng như những phụ nữ có ý định mang thai vì loại thuốc này sẽ gây ra dị dạng thai. Hãy tránh xa tất cả sản phẩm liên quan đến retinoid hay retinol.

– BHA/Salicylic Acid:
Là một chất có tác dụng lột da cục bộ thường được sử dụng để chữa trị mụn. BHA là một dẫn xuất của aspirin. Vì phụ nữ mang thai được khuyến cáo không nên sử dụng aspirin, do đó tốt nhất không nên sử dụng các sản phẩm có chứa BHA.

2. Nám da:

Trong quá trình thai nghén, làn da của bạn trở nên dễ bị tác động từ các sắc tố. Ngay cả việc phơi nắng hạn chế cũng có thể gây nên các đốm hay những mảng nâu quanh khu vực mắt, trên gò má và phía trên môi trên. Nhiều phụ nữ châu Á và những phụ nữ có làn da sáng dễ mắc phải chứng nám da do di truyền.

Giải pháp:
Để tránh hoặc giảm tình trạng nám da, hãy luôn nhớ thoa kem chống nắng có mức SPF cao khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nếu cần phải ra ngoài nắng trong thời gian dài, hãy đội nón rộng vành, mang kính mát và mặc quần áo bảo vệ da.

Cần tránh:  

– Khi mang thai, hãy chống lại tác hại của ánh nắng bằng cách sử dụng kem chống nắng.  Nếu cuối cùng da vẫn bị nám, bạn sẽ phải chờ đến hết thời gian cho con bú rồi sẽ cải thiện làn da bằng những sản phẩm làm sáng da hay “tẩy da”.

3. Da bị ngứa:

Nhiều phụ nữ mang thai bị chứng khô, ngứa và mẫn cảm đối với các vùng da trên mặt, trong lòng bàn tay và lòng bàn chân.
Giải pháp: Sử dụng hai lần một ngày một sản phẩm sữa rửa mặt không chứa xà phòng và không mùi. Dùng gạc vải ướp lạnh (có thể sử dụng một chiếc khăn nhúng trong nước lạnh) để giảm bớt sức nóng do sự rát da gây nên.

Cần tránh:  

–  Tránh xa các sản phẩm có chứa các chất tạo hương thơm dễ gây kích ứng da cũng như các loại mỹ phẩm dạng lỏng có hydrocortisone. Nếu da bị ngứa trầm trọng, hãy đến gặp bác sĩ để xin tư vấn một phương thuốc trị ngứa an toàn cho thai phụ.

Chăm sóc da sau sinh:
Nhiều phụ nữ vẫn phải chịu đựng các vấn đề về da kéo dài đến sau sinh. Thêm vào đó, da cũng có thể bị ảnh hưởng do các thay đổi về hormone, do thiếu ngủ, do quá trình nuôi con bằng sữa mẹ cũng như những thay đổi trong chế độ ăn uống kiêng khem…
Tốt nhất là bạn nên tuân thủ một chế độ chăm sóc da không quá phức tạp trong những tháng đầu sau sanh. Hãy nỗ lực hết sức và tiếp tục sử dụng các sản phẩm rửa mặt không chứa xà phòng, không gây kích ứng da, cũng như các loại mỹ phẩm dưỡng ẩm không có chất tạo mùi thơm. Nếu bạn cho con bú mẹ, tránh sử dụng các sản phẩm bạn đã không sử dụng trong thời gian mang thai.

Khi nào thì các sản phẩm “tự nhiên” trở nên không “an toàn”?

Đừng quá… ngây thơ tin rằng các sản phẩm “tự nhiên” hay “có nguồn gốc từ thảo mộc” lại an toàn hơn. Các loại tinh dầu sau đây có thể gây ra tác hại nghiêm trọng cho cả mẹ và thai nhi trong quá trình mang thai khi sử dụng ở mức độ trị liệu: Húng quế, bách, thì là, lài, sả, kinh giới, bạc hà, hoa hồng, hương thảo, cỏ xạ hương.

Tuy nhiên, nếu lượng tinh dầu trên chỉ chiếm một tỉ lệ rất thấp, chẳng hạn như chỉ là một ít giọt trong cả một chai dầu gội đầu, người mẹ vẫn có thể sử dụng sản phẩm đó an toàn.

Nguồn : bau.vn