Đưa vợ đi đẻ…chuyện có một không hai

Bình thường dạn dĩ, mạnh mẽ và luôn bình tĩnh trước mọi tình huống là thế, nhưng lúc đưa vợ đi đẻ thì... thật, 10 ông chồng thì có đến 9 ông lóng nga lóng ngóng chả biết làm gì.

Bình thường dạn dĩ, mạnh mẽ và luôn bình tĩnh trước mọi tình huống là thế, nhưng lúc đưa vợ đi đẻ thì… thật, 10 ông chồng thì có đến 9 ông lóng nga lóng ngóng chả biết làm gì…

“Đơ” toàn tập!

Vợ sinh con đầu lòng, sớm hơn dự định 2 tuần nên ngay trong đêm, anh Đức (Ba Đình, Hà Nội) vội vã gọi xe cùng vợ vào viện. Bố mẹ vẫn ở quê nên cuống quá, anh chỉ biết rút điện thoại gọi cho… ông bạn chí cốt của mình. Thành ra, trong lúc vợ la hét dữ dội trong phòng sinh, ngoài hành lang chỉ có 2 người đàn ông chạy qua chạy lại đến… rối tinh lên vì không biết làm gì. Bạn anh Đức thì thậm chí chưa vợ, kinh nghiệm không có 1 chút dù bằng móng tay nhưng xem ra còn bình tĩnh hơn bạn. Kết quả là anh Đức càng lúc càng “đơ” vì vợ kêu gào mà không biết làm gì thì bạn anh phải chạy quáng quàng mỗi khi bác sĩ gọi, lúc thì phụ vợ bạn leo lên ghế sinh kiểm tra, lúc khác lại lao ra giỏ đồ, hì hụi tìm từ chiếc khăn xô đến quần lót giấy, bỉm người lớn,… Cũng may ca sinh nở khá suôn sẻ, chỉ hơn 2 giờ sau là mẹ tròn con vuông. Và trong khi người bạn nhễ nhại mồ hôi vì phụ… vợ bạn từ việc lớn đến việc bé thì anh Đức lúc này mới run rẩy đứng dậy đón con, mặt phờ phạc như mất hồn mất vía. Mãi sau này kể lại chuyện anh đưa vợ đi đẻ mà mọi người vẫn cười không nín được, và bạn anh Đức đã được “vinh dự” trở thành ông bố nuôi của đứa bé sau sự giúp sức rất nhiệt tình của mình.

Lóng ngóng…

Trong phòng đẻ, lúc mọi người ai nấy cuống quýt làm việc của mình thì… “kẻ thừa thãi” nhất có lẽ là ông chồng của các sản phụ. Như trường hợp của chồng chị Hà My (Tây Sơn, Hà Nội) cũng vậy. Lần đầu đưa vợ đi đẻ, anh run rẩy đến nghẹt thở vì không biết làm gì trong khi vợ thì khó sinh, cứ kêu gào đến khản cả giọng. Đã vậy, bác sĩ, y tá cứ lướt qua lướt lại nhanh như gió thì anh chỉ biết luống cuống vòng đi vòng lại quanh vợ, hết cầm tay lại đến xoa lưng nhưng mặt thì như mất hồn. Vợ anh đau quá cũng chẳng thèm để ý đến chồng, thành ra một lúc sau anh thấy tay chân mình thừa thãi quá, đành đứng bám chặt thành giường mà… thở hổn hển. Rồi đến lúc vợ bắt đầu rặn, cô y tá đưa anh chậu nước với chiếc khăn lạnh bảo “lau mồ hôi rồi đắp lên trán!”, anh lập cập đỡ lấy rồi vắt khăn sau đó vội vàng lau khắp mặt, khắp cổ mình, cho đến khi cô ý tá bật cười: “Trời ơi tôi bảo anh lau cho chị ấy cơ mà”, làm anh thẹn đến đỏ cả mặt. 

Chưa hết, đến khi ca sinh nở kết thúc, anh thở phào và ngồi phịch xuống ghế vì mệt đến mức không đứng nổi do bị căng thẳng. Lúc này, cô y tá mang vào một cốc sữa nóng để chị My uống, nhưng chưa kịp nói gì thì anh đã tu đánh “ực” hết luôn cốc sữa làm mọi người lại được trận cười không nín nổi. Vậy là anh đành phải lật đật cầm cốc đi pha sữa mới cho vợ trong tình trạng vẫn chưa… hoàn hồn, còn bác sĩ thì gật gù công nhận với chị My: “Thôi để anh ấy uống là đúng rồi, chứ tôi thấy chỉ đứng không thôi anh ấy cũng mệt hơn cả chị đấy!”. Tuy vậy, “nhờ” sự lóng ngóng của anh mà cả “ekip” hôm đó đều công nhận là họ bớt căng thẳng, bớt mệt hơn rất nhiều…

… đến… té xỉu!

Gần đến ngày sinh, thấy vợ cứ bồn chồn, lo lắng suốt nên anh Minh (Quận 1, Tp.HCM) luôn phải tìm cách động viên vợ cố gắng, “đau đớn cũng chỉ như… muỗi đốt thôi!” – anh quả quyết thế. Và để chứng minh cho hình ảnh “người đàn ông mạnh mẽ, mẫu mực” của mình, anh quyết định đăng kí 1 phòng sinh dịch vụ tương đối tốt để có thể được ở bên chăm sóc vợ lúc lâm bồn… Nghe vậy, vợ anh cũng yên lòng đôi chút và đến ngày, chị mạnh dạn xách đồ theo chồng đến bệnh viện.

Có điều, những cơn đau đẻ thực sự không hề “muỗi” như chồng quả quyết, thế nhưng trong lúc đau đớn “kịch liệt”, chị lại không hề kêu 1 tiếng, chị kiên cường chịu đựng cơn đau đến vã mồ hôi để rặn đẻ thì lúc con sắp ra, cả phòng bỗng thấy 1 tiếng “bịch” rất to kèm theo tiếng ghế sắt va leng keng rồi im bặt, chỉ còn tiếng thở phì phò của sản phụ gấp gáp. Ai nấy tròn mắt nhìn rồi bỗng… cười lăn. Hóa ra vì nhìn cảnh vợ đẻ “choáng” quá, anh Minh hoa mắt chóng mặt rồi… đổ vật xuống sàn mà không đứng vững nổi. Vợ anh kể, cũng vì mắc cười với cú ngã của anh nên chị được thư giãn hẳn và hồi sức rất nhanh, kết quả là ngay sau đó, chị nín thở rặn 1 hơi và… con chào đời liền sau đó.

Cũng may là bác sĩ đỡ đẻ giải thích rằng, có những người dù mạnh mẽ đến thế nào nhưng lần đầu nhìn cảnh máu me, mổ xẻ cũng bị choáng, mức độ từ nặng đến nhẹ. Trường hợp của anh Minh chắc do lần đầu thấy cảnh vợ bị rạch tầng sinh môn nên không chịu nổi. Vợ anh vì thế cũng hiểu chứ không chắc sau này anh bị “chê bai” mất mặt cho xem!

Vô tư… quá đáng!

Thay vì quá lo lắng, căng thẳng như các ông bố trên thì có những người lại quá vô tư đến mức… ngủ quên trên ghế đẻ. Chuyện thật chứ chẳng phải đùa, hôm ấy, bà xã anh Quốc (Hà Nội) cũng lên cơn đau trở dạ rồi hai vợ chồng tức tốc đưa nhau đi viện. Vì may mắn là ở gần nhà ông bà nội ngoại nên hôm đó cả bà nội, bà ngoại đều đi cùng được, anh yên tâm lắm. Mỗi tội vợ anh lại khó sinh, “chầu chực” gần 2 ngày trong viện mà mãi chưa được chỉ định đẻ. Thành ra đến đêm hôm thứ 2, bên trong thì vợ hết đứng lại ngồi, hết nằm lại đứng dậy “lê lết” khắp phòng, rên rỉ vì đau còn bên ngoài, 2 bà mẹ và anh Quốc thay nhau: cứ 2 người tranh thủ chợp mắt còn 1 người thức để trông. Nửa đêm, bà nội bà ngoại được nằm xuống chợp mắt một chút thì anh phải thức dậy để trông vợ. Nhưng ngủ nửa cơn, mắt cứ rũ ra nên trong lúc ngồi cạnh vợ trong phòng, anh cũng ngả lưng và… ngủ khì lúc nào chẳng biết, ngay trên chiếc giường dành cho sản phụ! Gần sáng, thấy tiếng xôn xao và bị ai lay vai đánh thức, anh Quốc mới tỉnh dậy và vội vã ra ngoài để trả chỗ cho vợ… chuẩn bị đẻ. Hóa ra đêm đó, 2 bà mẹ cũng sốt ruột không ngủ được nên thức dậy, thấy anh nằm ngủ ngon lành trên giường vợ nên tặc lưỡi “thôi, kệ cho nó chứ thức mãi cũng mệt”. Thậm chí cả mẹ, cả vợ đang đau quằn quại cũng thỉnh thoảng phải vào quạt cho anh vì trời quá nóng. Sau này nhớ lại, anh Quốc vẫn còn xấu hổ mãi vì cái “huyền thoại” ngủ trên giường đẻ của mình

Mọi phản ánh, ý kiến đóng góp, thông tin nóng, bài vở cộng tác của độc giả có thể gửi cho Ban biên tập theo địa chỉ: Email: info@bau.vn / Hotline: 0904 666 276

Nguồn : bau.vn