Nghén nôn ra máu có nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ và bé không?

Có lẽ không ít mẹ bầu cũng từng trải qua hiện tượng nôn ra máu trong thai kỳ. Vậy nghén nôn ra máu gây biến chứng gì và ảnh hưởng đến thai nhi không?

1. Nghén nôn ra máu là tình trạng thế nào?

Nôn ra máu là tình trạng một người thải ra lượng dịch nôn nhất định có chứa máu, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Nghén nôn ra máu thường gặp ở phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

Nghén nôn ra máu có nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ và bé không? - ảnh 1

Nghén nôn ra máu thường gặp ở thai phụ tam cá nguyệt đầu tiên

Máu nôn của thai phụ có thể có màu đỏ tươi bắt mắt hoặc chỉ là màu đỏ thẫm, màu nâu như bã cà phê. Tùy theo nguyên nhân, màu sắc máu khi nghén nôn cũng khác nhau. Nhiều trường hợp thai phụ nghén nôn bị chảy máu đường tiêu hóa kết hợp, cần sớm được thăm khám và can thiệp y tế.

2. Những nguyên nhân gây nghén nôn ra máu

Theo các chuyên gia, nghén nôn ra máu ở phụ nữ mang thai thực chất là biểu hiện và kết quả của tình trạng ốm nghén nặng. Phụ nữ bị những cơn nghén, buồn nôn và nôn kéo dài gây nhiều ảnh hưởng tới các cơ quan của hệ tiêu hóa như:

+ Viêm loét dạ dày

Thai phụ có thể bị viêm loét dạ dày trước đó do tác nhân vi khuẩn HP hoặc là hệ quả của tình trạng nôn ói quá nhiều làm tổn thương dạ dày. Máu chảy từ vùng viêm loét dạ dày, lẫn vào thức ăn và ra ngoài theo cơn nôn. Đôi khi bệnh sẽ gây những cơn đau bụng kéo dài và mệt mỏi.

Nghén nôn ra máu có nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ và bé không? - ảnh 2

Nghén nôn ra máu có thể do viêm loét dạ dày

+ Mất nước

Mất nước vừa là hệ quả, vừa là nguyên nhân gây nghén nôn ra máu ở phụ nữ mang thai. Nôn quá nhiều khiến cơ thể mất nước, nếu không được bổ sung kịp thời, áp lực tăng khiến chất nôn trào ngược chứa máu và dịch vàng. Vì thế tăng cường nước và cân bằng điện giải rất cần thiết ở phụ nữ ốm nghén, nôn nhiều.

+ Chảy máu thực quản

Những cơn nôn “hành” thai phụ suốt thời gian ốm nghén thường kéo dài hết tam cá nguyệt đầu tiên, thức ăn và mật dịch dạ dày trào ngược qua thực quản ra ngoài. Đặc biệt ở những cơn nôn mạnh sẽ gây tổn thương khiến thực quản chảy máu. Lúc này trong dịch nôn sẽ chứa máu tươi, nhiều hoặc ít tùy vào tình trạng tổn thương.

+ Tăng huyết áp

Phụ nữ mang thai hầu hết đều bị hạ huyết áp, tuy nhiên nếu trường hợp xảy ra ngược lại thì đôi khi cũng gây triệu chứng nôn ra máu. Trường hợp này thai phụ cần được nghỉ ngơi nhiều hơn, ổn định huyết áp thai kỳ, tránh tinh thần căng thẳng mệt mỏi, đồng thời đi khám ngay và khám định kỳ để được bác sĩ theo dõi tình hình sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.

+ Ngộ độc thực phẩm

Nếu thai phụ sử dụng các loại thực phẩm ôi thiu, bị nhiễm khuẩn hoặc chứa chất độc hại, cơ thể sẽ phản ứng, có nguy cơ bị nôn ra máu trong thai kỳ. Ngộ độc thực phẩm là vấn đề đường tiêu hóa không quá nghiêm trọng song báo hiệu thai phụ cần xem xét lại chế độ ăn uống của mình.

Nghén nôn ra máu có nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ và bé không? - ảnh 3

Ngộ độc thực phẩm là nguyên nhân gây nôn ra máu

Mọi dinh dưỡng mẹ hấp thụ đều được truyền một phần đến thai nhi, do đó chất độc có thể tiếp xúc làm hại trẻ. Lời khuyên tới mọi thai phụ là cần cẩn trọng trong vấn đề vệ sinh thực phẩm, không ăn đồ chứa nấu chín kỹ, rửa kỹ và ngâm rau củ, trái cây, đồng thời tránh xa thực phẩm có thể gây dị ứng và biến chứng thai kỳ.

+ Do tác dụng phụ của thuốc

Nếu phụ nữ mang thai sử dụng một số loại thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hay aspirin có thể gây kích ứng, tăng nguy cơ viêm loét dạ dày. Hơn nữa aspirin còn tác động đến yếu tố đông máu, khiến chảy máu dạ dày nặng hơn.

+ Xơ gan

Nếu thai phụ bị xơ gan, tình trạng nghén nôn ra máu là một trong những triệu chứng bệnh. Lúc này máu nôn thường có màu đỏ tươi, sức khỏe thai phụ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Có thể thấy, có rất nhiều nguyên nhân gây nghén nôn ra máu, vậy làm sao có thể xác định nhanh chóng nguy cơ cũng như mức độ nguy hiểm? Quan sát màu sắc của máu là yếu tố quan trọng để chẩn đoán tìm nguyên nhân. Nếu do tổn thương dạ dày, tá tràng bệnh lý hoặc cấp tính, máu nôn thường là màu hạt dẻ hoặc nâu sẫm. Ngược lại máu sẽ đỏ tươi nếu chảy máu do rách thực quản.

Bác sĩ sẽ cần xét nghiệm hình ảnh để chẩn đoán tìm nguyên nhân cụ thể bằng các kỹ thuật như: Chụp X-quang, Chụp cộng hưởng từ MRI, Nội soi, Kỹ thuật y học hạt nhân, Siêu âm, Xét nghiệm máu,…

Nghén nôn ra máu có nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ và bé không? - ảnh 4

Xét nghiệm máu có thể dùng chẩn đoán nguyên nhân gây nghén nôn

3. Biến chứng có thể gặp phải ở thai phụ nghén nôn ra máu

Thai phụ nghén nôn ra máu có thể gặp phải một số biến chứng phát sinh như:

+ Thiếu máu

Do xuất huyết mất máu nhiều nên cơ thể mẹ bầu bị thiếu hụt tế bào hồng cầu khỏe mạnh, có thể gây nhiều vấn đề sức khỏe và ảnh hưởng đến thai nhi. Vì thế thai phụ gặp tình trạng này cần lưu ý bổ sung thêm nhiều thực phẩm lành mạnh, bổ dưỡng để hồi phục lại tốt hơn.

+ Nghẹt thở

Dịch nôn cùng máu trào ngược ra ngoài thường khiến thai phụ bị nghẹt thở và gặp khó khăn trong nuốt thức ăn. Tình trạng này sẽ nhanh chóng qua đi nhưng cần báo bác sĩ nếu nó không thuyên giảm.

+ Căng thẳng, trầm cảm

Nôn ra máu khi mang thai khiến rất nhiều thai phụ lo lắng, căng thẳng, nếu không tìm ra nguyên nhân và khắc phục, để tình trạng kéo dài thì có thể dẫn tới trầm cảm.

Khi gặp phải bất cứ dấu hiệu biến chứng nào, thai phụ cần tới kiểm tra y tế tại bệnh viện càng sớm càng tốt. Càng để lâu, biến chứng càng nặng và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của mẹ cũng như trẻ.

4. Hướng điều trị tham khảo cho mẹ bầu bị nôn ra máu khi mang thai

Tình trạng bà bầu nghén nôn ra máu về cơ bản cũng dễ dàng khắc phục nếu xác định được nguyên nhân gây ra vấn đề.

Theo lý thuyết, sau khi nôn, cơ thể có sự thiếu hụt về lượng chất lỏng tối ưu. Vì vậy, bạn cần phải bổ sung nước để bù lại. Nếu việc mất nước xảy ra quá nghiêm trọng, mẹ bầu phải cần nhập viện để đảm bảo được truyền dịch thông qua đường tĩnh mạch.

Ngoài ra, một thực đơn ăn uống cân đối và bổ dưỡng sẽ được đề xuất để đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng phù hợp cho cả mẹ lẫn thai nhi.

Trong trường hợp mất máu quá nhiều, các bác sĩ có thể can thiệp bằng các phương pháp như:

  • Truyền máu
  • Cho thở oxy
  • Uống thuốc để làm giảm lượng axit dịch vị
  • Điều trị nội soi để xác định mức độ thương tổn và có biện pháp chữa trị phù hợp
  • Tiêm tĩnh mạch
  • Phẫu thuật trong trường hợp xuất huyết nội hoặc viêm loét nặng

Như vậy, nghén nôn ra máu là tình trạng khá thường gặp ở phụ nữ mang thai, do biến chứng của ốm nghén hoặc bệnh lý đường tiêu hóa. Tuy nhiên để biến chứng sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe mẹ và thai nhi.

Ngọc Hồi

Nguồn: http://suckhoe24h.suckhoecongdongonline.vn/nghen-non-ra-mau-co-nguy-hiem-den-suc-khoe-cua-me-va-be-khong-a177778.html

Nguồn : bau.vn