Hiện tại, vợ tôi đang mang bầu ở tháng thứ 5 và lúc nào cũng cố gắng ăn uống đủ chất để con được khỏe mạnh bình yên. Khi con gái yêu biết đạp trong bụng mẹ, tôi cảm thấy vợ mình rất hạnh phúc và tôi cũng vậy. Cô ấy thường xuyên trò chuyện, kể cho con gái nghe mọi chuyện và dạy con làm nũng bố nữa! Giờ đây sau mỗi ngày làm việc mệt mỏi, chỉ cần về bên vợ con là tôi thấy mọi thứ đều tan biến. Tôi nhận ra rằng, người phụ đã đem đến tình yêu và những điều kỳ diệu nhấ cho cuộc đời này khi họ mang thai. Các bà bầu dường như có đủ tố chất của người phụ nữ Việt. Họ yếu đuối mỏng manh như một đứa trẻ khi gặp những sự cố, họ dịu dàng đằm thắm như thiếu nữ biết yêu lúc vui vẻ hạnh phúc và đôi lúc khi, họ “xù lông nhím” để bảo vệ con mình. Và dù thế nào, thì những thai phụ cũng… luôn đúng! Bởi họ cần nhận được tình yêu thương, sự quan tâm của tất cả mọi người.
Bạn đừng quên nói với vợ mình, là hãy luôn bao dung với mọi vấn đề, lạc quan và thật sự vui vẻ. Vì chỉ như thế, em bé mới có thể phát triển toàn diện được. Làm gì dù là nhỏ nhất cũng đặt con yêu lên trên hết, mọi buồn bực sẽ trôi qua như gió thoảng. Hai mẹ con cần được thoải mái, giữ được sức khỏe để cùng nhau vượt qua 9 tháng 10 ngày, cho bé yêu chào đời khỏe mạnh trong niềm hân hoan của cả gia đình. Với những ông bố tương lai, hãy yêu thương mà chăm vợ nhiều hơn, hiểu cho những khó khăn mà vợ đang phải trải qua. Cô ấy luôn cần người bên cạnh sẻ chia, động viên và nắm tay, để trải qua thời kỳ thử thách này…
* Khánh Hòa (Tp. Vinh, Nghệ An): Cưới nhau chưa được bao lâu, niềm vui đến với tôi khi vợ thông báo có bầu. Tôi vui nhiều lắm, vì mình sắp được làm bố. Ngoài công việc, tôi dành hết thời gian chăm sóc cho vợ. Cũng may, cô ấy ít nghén nên không “hành” chồng nhiều, chỉ thi thoảng bị nôn khan. Tôi động viên: “May mà em chỉ nôn khan thôi, chứ nhiều người ăn được bao nhiêu cho ra bấy nhiêu thì khổ lắm!’. Nàng bảo: “Nôn khan không có gì ra được mới chết đấy! Anh cứ mang bầu đi rồi biết!”. Tôi nghe và chỉ biết vậy, chứ có cơ hội “được” mang bầu đâu mà trải nghiệm. Nghe nói, phụ nữ mang bầu thường “xấu tính” hơn, nên tôi chẳng dại gì mà đụng vào “tổ kiến” ngay cả khi vợ nói sai. Tôi luôn “nhường nhịn” và cố gắng bằng mọi cách để cô ấy không căng thẳng. Bởi nếu bị stress, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả hai mẹ con.
Tôi nhận thấy, phụ nữ trong giai đoạn mang bầu thường hay lo lắng, xúc động và nhạy cảm hơn bình thường. Thế nên, tôi thường an ủi vợ đừng nên lo lắng quá mà hãy giữ gìn sức khỏe của mình. Dù có chuyện gì hay như thế nào, vợ cũng hãy yên tâm vì luôn có chồng bên cạnh. Sự lo lắng, suy nghĩ nhiều không có ích lợi và gây mệt mỏi, ảnh hưởng đến em bé. Hãy luôn suy nghĩ tích cực, vui vẻ, lạc quan và tin tưởng!
* Long Tú (Tp. Thái Bình): Nhớ lại lúc vợ mang thai, tôi vẫn chưa hết sợ và lo lắng. Cũng vì vậy mà chúng tôi chưa muốn sinh thêm bé thứ hai. Ba tháng đầu, vợ tôi nghén rất “khủng khiếp”, ăn bất cứ thứ gì cũng cho ra tuốt. Không lên cân như đa số, vợ tôi lại sụt mất 3 cân. Tôi lo lắng và tìm nhiều món ngon cho vợ ăn. Nhưng vô ích, vì chỉ mới ngửi mùi đã nôn hoặc cố gắng thì vừa vào bụng đã cho ra ngay. Đến lúc hết ốm nghén, vợ tôi lại thèm ăn những thứ “oái oăm”. Có khi nửa đêm, cô ấy thức giấc đòi ăn… bún đậu mắm tôm. Quán xá vắng hoe và ai còn bán thứ đó khi đã 2 giờ đêm? Tôi “đánh liều” gõ cửa mấy nhà hàng xóm hỏi xin. Thật may, có nhà tốt bụng gần đó còn ít mắm tôm. Chẳng có bún đậu gì nhưng có còn hơn không. Tôi đem về đổ ra bát, cho thêm tí gia vị rồi đưa cho vợ. Tôi mệt quá lăn quay ra ngủ, còn vợ thì húp sột soạt và khen mắm… quá ngon!
Giai đoạn cuối thai kỳ mới thực sự… kinh khủng. Vợ tăng tổng cộng 19 cân tính đến sát ngày sinh, bước đi rất nặng nề. Cái bụng quá khổ khiến cô ấy nằm, ngồi, đứng đi đều rất khó khăn, lúc nào cũng than đau lưng, mỏi đùi, tức ngực. Tôi chạy hết công suất xoa lưng, bóp đùi cho vợ. Tối nào cũng dốc lòng mà nàng còn la “oai oái”. Đêm đến, một mình tôi rúm ró một góc, nhường… 3/4 cái giường cho hai mẹ con. Cái bụng quá nặng khiến vợ “khó ở” lắm, chốc chốc lại cựa mình, đổi tư thế. Mỗi lần xoay là một lần kêu rên, khiến tôi lại giật mình thức giấc. Thế rồi, cuối cùng con tôi cũng chào đời. Đúng là khi chứng kiến vợ sinh và nhìn thấy con thì những vất vả tan biến hết. Cũng nhờ vậy mà tôi hiểu và thương vợ hơn. Tôi hay nói vui với vợ: “Giá như anh có thể mang bầu thay em…!”. Xin cảm ơn các bà mẹ, bởi họ đã mang hạnh phúc đến với chúng tôi, cho cuộc sống của chúng tôi có ý nghĩa hơn.
Tạp Chí Bầu số 50, 10/07/2013
Nguồn : bau.vn