Sau sinh chẳng ai muốn gặp vấn đề này

Dưới đây là 13 thay đổi không mong muốn bạn phải đối diện sau khi có em bé.

1. Trầm cảm

Trầm cảm sau sinh là điều tồi tệ mà dường như mọi phụ nữ mới sinh, đặc biệt là những người trẻ lần đầu tiên làm mẹ phải đối diện. Nguyên nhân của chứng trầm cảm sau sinh thì có nhiều nhưng chủ yếu vẫn là do căng thẳng, mệt mỏi và kiệt sức vì việc sinh nở và chăm sóc con. 

 

Để cải thiện tình trạng này, bạn nên thường xuyên trò chuyện, chia sẻ những khó khăn mà bản thân đang gặp phải, nhờ người thân hoặc ông xã giúp đỡ san sẻ bớt gánh nặng. Để bạn có nhiều thời gian ngủ và nghỉ ngơi, thư giãn. Bên cạnh đó, nghe nhạc, đi dạo hoặc tập yoga cũng là một trong những liệu pháp chống trầm cảm sau sinh rất hiệu quả. 

2. Mệt mỏi và thiếu năng lượng

Khi có con bạn sẽ phải cùng lúc làm nhiều việc, nào là cho con bú, thay tã cho con, giặt giũ quần áo, dọn dẹp phòng ngủ, làm nội trợ… bạn sẽ không còn nhiều thời gian để ngủ và chăm sóc bản thân. Vì thế cơ thể mệt mỏi và thiếu năng lượng là điều không thể tránh khỏi. Nhưng các bà mẹ trẻ cũng đừng quá lo lắng, sức khỏe của bạn quan trọng hơn là căn bếp gọn gàng sạch sẽ, hay quần áo con được giặt giũ tươm tất. 

Sau sinh bạn cần dành nhiều thời gian cho bản thân, nghỉ ngơi thư giãn để nhanh chóng phục hồi lại sức khỏe. Hãy nhờ người thân chia sẻ bớt công việc để bạn có thời gian nghỉ ngơi. 

Vào những ngày cuối tuần, mẹ có thể gửi con cho các bà trông giúp để hai vợ chồng đi ăn bên ngoài, hẹn hò, xem phim, xem kịch… Đây là cách tốt nhất giúp mẹ sau sinh nạp thêm năng lượng cho cuộc sống. 

3. Rụng tóc​

Sau sinh do thay đổi hóc môn nên người phụ nữ sẽ rụng rất nhiều tóc. Theo các chuyên gia thì trung bình mỗi ngày một bà mẹ mới sinh rụng khoảng 100 sợi tóc. Tuy nhiên các bà mẹ trẻ cũng đừng quá lo lắng, mẹ có thể dùng một số bài thuốc dân gian chữa rụng tóc sau sinh. Chú ý đến chế độ dinh dưỡng nên ưu tiên những thực phẩm tốt cho tóc. Sáu tháng sau sinh, khi sức khỏe phục hồi, tóc bạn sẽ lại dày và đẹp như xưa mà thôi. Nhưng cũng cần lưu ý: Sau thời gian này mà tóc bạn vẫn bị rụng bất thường thì nên đi khám bác sĩ ngay. 

4. Đau và chảy máu ở âm đạo

Sau sinh đặc biệt với những phụ nữ bị rạch tầng sinh môn sẽ phải chịu nhiều đau đớn. Việc chăm sóc vết thương tầng sinh môn đòi hỏi mẹ phải hết sức cẩn thận và phải giữ vệ sinh sạch sẽ để tránh vết thương bị viêm nhiễm.

Ngoài ra, một trong những phiền toái mà phụ nữ sau sinh phải đối diện là âm đạo chảy máu liên tục trong vòng vài tuần đầu sau sinh. Điều này quả không dễ chịu chút nào. Vì thế bạn cần chú ý giữ vệ sinh vùng kín bằng cách dùng nước ấm để vệ sinh 3 lần/ngày, cứ 3-4 giờ đồng hồ thì thay băng vệ sinh một lần. Và cần kiêng gần gũi chồng trong vòng 2 tháng. 

5. Đau tức ngực​

Đây là điều mà mọi bà mẹ đang cho con bú đều phải đối diện. Nếu bị tắc tia sữa mẹ sẽ còn phải chịu nhiều đau đớn hơn. Để phòng tránh căng, tức ngực và sưng hai đầu núm vú khi cho con bú mẹ nên thường xuyên massage hai bầu ngực, vắt sữa thừa để dự trữ để tránh ngực bị căng cứng. Nếu mẹ bị căng tức ngực kéo dài nên đi khám bác sĩ vì đây có thể là dấu hiệu của tắc tia sữa nếu không điều trị sớm dễ bị áp- xe vú rất nguy hiểm. 

6. Da vùng bụng bị nhão

Trong quá trình mang thai, diện tích vùng bụng của người mẹ sẽ tăng theo tỷ lệ thuận với kích thước của thai nhi. Khi em bé trong bụng càng lớn, da vùng bụng của người mẹ phải căng ra. Vì thế sau sinh, mẹ khó tránh khỏi hiện tượng da bị nhão, sạm và chảy xệ.

Cách đối phó mẹ nên dùng gen nịt bụng, tập yoga, có chế độ ăn kiêng hợp lý, năng vận động sẽ giúp vòng bụng săn chắc và hết nhão da.

7. Sạm da

Sau sinh do thay đổi về nội tiết tố nên trên da người mẹ sẽ bị khô, nổi mụn và sạm da. Điều này sẽ mất đi trong vài tuần sau đó. Nhưng bạn nên uống nhiều nước, ăn trái cây và nhiều rau xanh sẽ giúp da đẹp hơn. Ngoài ra bạn cũng có thể làm mặt nạ mật ong với trứng gà, mặt nạ nghệ với mật ong cũng có tác dụng giúp làn da mềm mại và đẹp hơn sau sinh. 

8. Đau lưng

Trong quá trình mang thai, do sức ép của thai nhi lên vùng lưng nên người mẹ sẽ bị đau lưng trong suốt quá trình thai kỳ và trong 6 tuần đầu sau sinh. Hiện tượng này sẽ mất đi vài tuần sau đó. Vì thế mẹ cũng đừng quá lo lắng. Ngoài ra để giúp giảm bớt đau lưng, mẹ nên đi lại, vận động nhẹ nhàng, tránh mang vác đồ vật nặng hoặc làm việc quá sức sẽ không tốt cho cả sức khỏe và cả lưng của bạn. 

9. Rối loạn tiểu tiện

Trong quá trình vượt cạn, khi em bé tụt xuống bụng dưới gây áp lực lên bàng quang và niệu đạo. Vì thế gây tổn thương cho hai cơ quan này nên sau sinh mẹ thường gặp khó khăn trong việc tiểu tiện. Thông thường sẽ xuất hiện một số triệu chứng như: thường xuyên đi tiểu nhiều lần, tiểu đêm thậm chí tiểu không kiểm soát. Cách tốt nhất mẹ không nên uống nước quá nhiều vào ban đêm, trước khi đi ngủ hoặc uống quá nhiều nước cùng lúc mà nên chia nhỏ nhiều lần uống.

10. Táo bón

Sau sinh do chế độ ăn kiêng không đúng cách nên người mẹ bị thiếu chất xơ và các loại vitamin dẫn đến bị táo bón. Một số khác do bị rạch tầng sinh môn, sau sinh vì sợ đau đớn nên thường nhịn đi đại tiện. Lâu dần sẽ bị táo bón.​

Táo bón nếu không có phương cách điều trị sớm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ. Vì thế sau sinh, mẹ cần ăn nhiều rau xanh, thực phẩm giàu chất xơ. Với những bà mẹ bị rạch tầng sinh môn, không nên vì sợ đau mà nhịn đi đại tiện. Cần tập những bài rặn theo tư thế tự nhiên sẽ giúp cải thiện việc đi đại tiện. 

11. Chuột rút

Sau sinh một số phụ nữ phải đối diện với chứng tê chân và bị chuột rút. Tuy nhiên hiện tượng này cũng sớm mất đi. Cách tốt nhất mẹ nên đi lại vận động nhẹ nhàng, ngâm châm bằng nước ấm với gừng pha chút muối, hoặc massage chân sẽ cho hiệu quả tốt. 

12. Thiếu ngủ

Sau sinh do thay đổi hóc môn cộng với việc phải chăm con nên bạn thường mất ngủ, khó ngủ. Điều này ảnh hưởng đến cả thể chất lẫn tinh thần của bạn. Nếu khó ngủ bạn có thể tắm nước ấm với gừng, hoặc ngâm chân bằng nước ấm trước khi đi ngủ. Hay bạn cũng có thể uống một ly sữa nóng hoặc trà gừng nóng cũng giúp bạn dễ ngủ hơn. Nếu bạn không có thời gian để ngủ, nên nhờ anh xã chăm bé vào ban đêm để được ngủ đủ giấc hơn. 

Mọi phản ánh, ý kiến đóng góp, thông tin nóng, bài vở cộng tác của độc giả có thể gửi cho Ban biên tập theo địa chỉ: Email: info@bau.vn / Hotline: 0904 666 276

Nguồn : bau.vn