Trẻ thành công sớm có tốt không?

Theo chia sẻ của chuyên gia kỹ năng sống TS. Vũ Thu Hương, chị không khuyến khích con mình tham gia các kỳ thi để tranh giải bởi theo chị, điều con cần là tương lai chứ không phải thành công sớm.

Những dòng tâm sự của chị viết cho các mẹ có thể giúp con phát triển một cách tự nhiên và có một cuộc sống hạnh phúc, giúp con phát triển nhân cách một cách toàn diện thay vì chạy theo thành tích “hư vô”.

 

“Con gái tớ là 1 đứa trẻ có năng khiếu vẽ. Nó vẽ rất đẹp từ lúc 2 tuổi. Đến khi cháu học lớp 1, cháu gặp bác Diệp người quen của mẹ cháu, chuyên chấm thi các cuộc thi vẽ Trong nước và Quốc tế dành cho thiếu nhi. Bác Diệp dụ nó vẽ, ngắm tranh của nó rồi bảo mẹ nó: con bé nhà em mà thi kiểu gì cũng có giải.

Biết được điều đó, mẹ cháu đã không cho cháu tham gia thi cũng như không hào hứng lắm với việc vẽ vời của cháu. Lớn lên, con bé chẳng thích vẽ nên mọi việc cũng quên lãng.

Tại sao vậy? Tại sao tớ không cổ vũ con vẽ, không cho con đi lớp luyện, không cho con tham gia các kì thi? Đơn giản thôi, điều con tớ cần là tương lai chứ không phải thành công sớm.

Các nơi quảng cáo về chương trình học này nọ rất hay nhấn mạnh về việc tạo sự Tự tin cho con thông qua các thành tích mà con đạt được. Nhưng tớ không nhìn thấy điều đó. Tớ nghĩ, đã có sự nhầm lẫn giữa tự tin và huênh hoang, tự mãn ở đây.

Người tự tin là người dám làm mọi việc dù thiên hạ có nhìn họ bằng ánh mắt khinh bỉ, nghi ngờ, hay bất kể điều gì. Họ làm vì họ tin là mình đúng. Họ làm vì họ tin vào khả năng của chính mình.

Khi đứa trẻ thực hiện thành công một công việc gì đó, nó sẽ có niềm tin là nó sẽ hoàn thành công việc đó lần nữa. Sự tự tin tăng lên 1 bậc. Việc đó không nhất thiết phải là thành tích, phải đứng thứ nhất thứ hai so với người khác. Việc đó đơn giản chỉ là việc mà trước nay đứa trẻ chưa làm được và giờ cháu đã làm được.

Còn khi có thành tích, đứa trẻ không phải là tự tin mà trở nên huênh hoang, là kiểu chân không chạm đất. Điều này không chỉ đến với đứa trẻ mà còn đến với tất cả mọi người khi họ có thành công gì đó mà được ghi nhận.

Người tự tin là người dám làm mọi việc, dám thừa nhận sai lầm và dám sửa sai để làm lại.

Con người là 1 thực thể độc lập nhưng họ không có khả năng quan sát được chính mình. Thật khó có thể ngắm nghía bản thân mình đặc biệt là không thể nhìn mình từ phía sau, từ xa, từ bên trái và bên phải. Cái mà ta nhìn thấy hầu hết lại là người khác. Phần của chính ta chỉ có chút xíu trong tầm mắt của ta mà thôi. Khi 1sự việc không hay xảy ra, mọi việc như chúng ta đang nhìn đời qua 1 tấm gương. Người tự tin, tỉnh táo và sáng suốt sẽ soi cái bóng của tấm gương đó. Khi đó, họ nhìn thấy chính mình trong tấm gương. Họ sẽ thấy vết nhọ trên mặt mình. Đó là khuyết điểm mình mắc phải. Họ thừa nhận vết nhọ đó và lấy khăn lau đi.

Người huênh hoang không nhìn thấy điều đó. Khi mắt họ bị mờ bởi những vinh quang quá khứ, họ chỉ thấy những hình ảnh cuộc đời sau tấm gương đó, họ thấy hình ảnh thiên hạ tung hô họ trong thời hoàn kim. Vì không soi được bản thân, họ sẽ không nhìn thấy vết nhọ trên mặt mình và sẽ đem nó theo cả đời.

Vì thế, người huênh hoang sẽ vô cùng khó khăn để sửa chữa sai lầm và do đó, tương lai của họ rất khó để có thể có được thành công tiếp theo.

Trong đời tớ, điều khó khăn nhất là để không cảm thấy tự mãn, quá hài lòng khi mình thành công ở một việc gì đó. Khi đấy, tớ phải cố gắng để chân mình chạm đất và nhìn đời chân thực nhất có thể. Lâu dần, tớ không thấy quá hào hứng với những việc như thế. Tớ chỉ còn cảm giác hài lòng vì đã hoàn tất 1 việc quan trọng mà thôi.

Còn khi gặp một thất bại hay có 1 lời nhận xét, chê trách, điều quan trọng nhất tớ cố gắng làm là soi tấm gương đó thật kĩ càng, cố gắng tìm ra cái vết nhọ trên người mình, càng kĩ càng tốt. Vết nhọ đó là tớ đã cẩu thả chăng, vết nhọ đó là tớ đã lười biếng chăng, hay lỗi nào khác? Từ đó, tớ tìm cách lau vết nhọ đó càng kĩ càng tốt. Và rất nhiều người ngoài đời đã nhận ra tớ có khả năng kiên nhẫn rất lớn khi bị nói xấu hoặc chê bai. Tớ ko phản kháng lại những người đó không phải vì tớ không tức giận. Bởi vì lúc đó tớ đang rất bận soi gương.

Là 1 người mẹ, tớ không muốn con mình tự mãn. Vì thế, tớ không tạo điều kiện để con thành công. Thậm chí, tớ còn không giúp đỡ gì con trong các kì thi. Chuyện con tớ va vấp tơi bời và thất bại loạn xạ là quá thường gặp.

Mỗi lần thất bại, tớ lại cố giúp con soi gương. Đến giờ, con tớ đã có kĩ năng soi gương tìm vết nhọ rồi đó.

Mới hôm rồi, con đạt điểm thấp trong 1 kì thi học sinh giỏi, con khóc rất khủng khiếp. Sau vài lời tự bào chữa kiểu: đứa chăm nhất thường điểm kém, số con đen… và sau một hồi bình tâm lại, con tớ đã tự vấn lương tâm và nói:

– Mẹ à, con nghĩ con học chưa đủ sâu, chưa đủ chắc. Có lẽ con đã còn nhiều lỗ hổng nhỉ.

Tớ trả lời:

– Mẹ nghĩ con còn 1 lỗi nữa, không biết con có nhìn thấy không?

– Gì vậy mẹ?

– Con đã cười 1 bạn khi bạn thi điểm kém đợt trước. Cười người hôm trước, hôm sau người cười. Con có thấy đúng không?

Con bé im lặng.

Sau buổi hôm đó, con tớ tự vấn bản thân rồi đồng ý với tớ rằng: huênh hoang là tính rất xấu, nó có hại cho chính mình.

Thành công khi con quá nhỏ rất tai hại các mẹ ạ. Giờ phút vui tươi thăng hoa diễn ra quá ngắn ngủi. Sau đó vầng hào quang quá khứ sẽ che mờ tấm gương Tự vấn bản thân. Vì thế, tớ không muốn con tớ có vầng hào quang nào trước khi cháu học được kha khá những bài học từ sự thất bại.

Câu cuối cùng, cha mẹ ạ, NẾU CHA MẸ MUỐN VINH QUANG, HÃY TỰ MÌNH TÌM KIẾM, ĐỪNG DỰA VÀO VINH QUANG CỦA CON ĐỂ KHOE. Điều đó kì lắm.”

Nguồn : bau.vn