Tuổi thích hợp cho bé tới trường

Làm sao để có thể vừa làm được công việc xã hội, đồng thời chăm sóc và nuôi dạy con cái tốt nhất? Giải pháp tối ưu cho các bậc cha mẹ là cho con đi học mẫu giáo. Tuy nhiên, việc cho con đi học vào độ tuổi nào là tốt nhất, nên cho con đi học sớm hay muộn vẫn là băn khoăn của nhiều phụ huynh.

Hiện nay, trong tư tưởng của phụ huynh vẫn đang hình thành 2 luồng quan điểm khác nhau. Nhiều phụ huynh cho rằng nên đưa trẻ đi học sớm, trẻ sẽ phát triển được nhiều hơn, học được nhiều ở bạn bè và cô giáo. Một số phụ huynh khác lại cho rằng không nên cho trẻ đi học sớm, nên cho trẻ đi học muộn vì không đâu chăm sóc tốt bằng gia đình mình. 
Để giải quyết những băn khoăn trên, “Bầu” đã có buổi trao đổi với Ths.Bs Thúy Minh (Trưởng khoa tâm lý, bệnh viện Nhi Trung ương). Xin được tóm lược những nội dung chính như sau:


Bé nên ở nhà
Đối với những trẻ dưới 3 tuổi, nếu gia đình có người chăm sóc tốt, có kiến thức về nuôi dạy trẻ thì nên cho bé ở nhà. Ở độ tuổi này, nhu cầu được khám phá thế giới xung quanh của bé rất cao, nếu được thường xuyên tương tác với người lớn, được chỉ bảo tận tình sẽ rất tốt cho sự phát triển về nhận thức và trí tuệ. Với các bé ở giai đoạn này, không gì tốt bằng được ở bên cạnh người thân, được trò chuyện, khơi gợi.


Tuổi tới truờng
3 tuổi, đó là độ tuổi thích hợp nhất cho bé tới trường. Độ tuổi này, phụ huynh nên cho con đi nhà trẻ, bởi giai đoạn này bé có nhu cầu được giao tiếp với bạn bè cùng tuổi và phát triển các mối quan hệ. Môi trường gia đình không còn đủ với trẻ, bé sẽ cảm thấy buồn chán nếu suốt ngày chỉ quanh quẩn bên bố mẹ, ông bà. Lúc này, đến trường được giao tiếp thêm với bạn bè, cô giáo với các tính cách đa dạng sẽ giúp bé học nhiều điều mới. Ngoài ra, đây còn là giai đoạn quan trọng để trẻ chuẩn bị tâm lý đi học ở bậc tiểu học. Nếu không được học mầm non, trẻ có thể thiếu kỹ năng xã hội, kỹ năng quan hệ với bạn, thầy cô hay kỹ năng học tập, đặc biệt là khả năng giao tiếp.
Trong độ tuổi này, bé tiếp thu cũng như nhận thức hay khám phá những sự việc xung quanh rất nhanh. Nếu có điều kiện, cha mẹ có thể cho trẻ đi học thêm năng khiếu như: múa, hát, họa,… giúp bé tăng khả năng nhận thức của mình. Đừng vì muốn con phát triển trí tuệ một cách nhanh nhất mà cha mẹ nhồi nhét trẻ học tập, không có thời gian vui chơi giải trí. Làm như vậy, bé sẽ cảm thấy không thoải mái, tính tự khám phá của trẻ bị hạn chế, thay vào đó là tâm trạng sợ hãi, học để đối phó, thậm chí nhiều trẻ còn cảm thấy sợ mỗi khi phải đi học,…


Trẻ đi học sớm
Việc cho trẻ đi mẫu giáo sớm là không nên, nhất là đối với những trẻ dưới 2 tuổi. Lứa tuổi này, bé chưa quen xa cha mẹ và người chăm sóc, chưa tự đi vệ sinh, chưa biết ăn bằng thìa, chưa hiểu rõ được người khác nói gì cũng như chưa đủ ngôn ngữ để bày tỏ nhu cầu của mình. Giai đoạn này, bé rất cần sự chăm sóc chu đáo từ người thân, trong khi đó ở nhà trẻ thì một lớp có đông học sinh mà lại ít cô giáo nên không thể chăm sóc chu đáo. Cha mẹ hãy tưởng tượng ra cảnh một đứa nhỏ lo sợ, khóc lóc, mút ngón tay ở một góc của lớp học thật đáng thương.


\"\" 


Trẻ đi học muộn
Những bé đi học muộn (sau 5 tuổi) hay không đi học thường khó tuân thủ kỷ luật trong lớp. Giáo dục mầm non là giáo dục nền tảng, không nặng về cung cấp kiến thức mà chủ yếu là giúp các bé hình thành những thói quen đầu tiên về cách suy nghĩ, sinh hoạt, xử lý công việc hay ứng xử,… Nếu phụ huynh vì lo lắng, sợ con mình sẽ không được chăm sóc tốt ở nhà trẻ mà cho bé ở nhà thì sẽ tạo nên tính tự thu mình với bạn bè sau này. Mặt khác, sự cạnh tranh trong vui chơi giải trí cũng như học tập của trẻ sẽ bị hạn chế so với những trẻ đi học rất nhiều.
Hiện nay, trẻ được tiếp thu kiến thức khá hệ thống từ bậc mầm non nên nếu không được đến lớp cũng là một thiệt thòi cho bé.


Giúp bé vui vẻ tới trường
Thực tế, rất ít trẻ tự nguyện đến lớp. Các bậc phụ huynh và các cô giáo thường rất vất vả trong những ngày đầu bé đi nhà trẻ. Sự thay đổi môi trường từ gia đình đến nhà trường, từ chỗ thân thuộc đến nơi mới lạ sẽ làm nhiều bé cảm thấy bất an. Đa số các bé đều khóc, thậm chí có những trẻ còn ốm hay tỏ vẻ thất thần.
Tùy hoàn cảnh của mỗi gia đình mà phụ huynh sẽ quyết định điều tốt nhất cho bé. Cho dù có quyết định như thế nào, phụ huynh nên luôn nhớ giải thích cho bé một cách nhẹ nhàng lý do bé phải xa cha mẹ, xa nhà để đến trường cùng các bạn và cô giáo.


 Để bé đến trường được thoải mái, điều đầu tiên, cha mẹ nên tập cho bé quen với hình ảnh ở trường. Chia sẻ kinh nghiệm trong vấn đề này, chị Minh Hằng mẹ bé Quang Minh tâm sự: Khi bé sắp đi học, mình đưa bé tới trường trước 2 đến 3 lần, để bé làm quen với trường học như quan sát môi trường mới, nhìn các bé khác chơi đùa, làm quen với cô giáo dạy bé sau này…


Ban đầu, bé cảm thấy rụt rè, ngại ngùng nhưng dần dần bé bắt đầu làm quen với các bạn mới, các trò chơi mới ở trường, bây giờ thì bé hứng thú tới trường rồi.
Những ngày bé tới trường, các bậc cha mẹ cần lưu ý chăm sóc sức khỏe cho bé thật tốt. Nên cho bé đi ngủ sớm, dậy đúng giờ để buổi sáng tỉnh táo thì khi đến lớp, bé sẽ đỡ cáu gắt hơn.
Ngoài ra, bạn không nên chiều theo ý bé mà cho con nghỉ học nhiều hoặc vui chơi thái quá trong những ngày nghỉ, bởi sau đó trẻ sẽ không muốn đi học nữa vì phải thích nghi lại.
Những năm tháng học mẫu giáo là khoảng thời gian đẹp nhất, ngây thơ và trong sáng nhất của trẻ. Cha mẹ và cô giáo hãy giúp bé có một tuổi thơ đẹp ở trường mầm non.


Quang Dũng


 

Nguồn : bau.vn