Điều trị táo bón cho trẻ bằng dinh dưỡng

Táo bón là một chứng bệnh thường gặp thuộc hệ thống đường tiêu hóa. Chứng táo bón có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất là ở trẻ em.

Nguyên nhân
Nguyên nhân chủ yếu gây táo bón ở trẻ là do những yếu tố sau: chế độ ăn thiếu nước; ăn quá nhiều thực phẩm ít chất xơ (sữa, phomat, sữa chua). Việc ăn quá nhiều chất đạm nhưng lại không ăn đủ lượng rau quả và ngũ cốc cần thiết trẻ dễ bị táo bón. Ngoài ra, bị táo bón còn do trẻ mắc bệnh còi xương, thiếu máu, dùng kháng sinh. Đặc biệt, có một tỷ lệ nhỏ trẻ bị phình hoặc dài đại tràng bẩm sinh gây táo bón. Ngoài việc sử dụng các thức ăn cần thiết cho trẻ thì có trẻ phải được phẫu thuật vào thời điểm thích hợp để điều trị căn nguyên.
Bình thường, trẻ dưới 6 tháng tuổi đi ngoài 4 lần/ngày. Trẻ khoảng 2 tuổi, số lần đi ngoài giảm xuống còn khoảng 2 lần/ngày. Trẻ lớn hơn sẽ đi ngoài 1 lần/ngày. Nếu trẻ đi ít hơn số lần trên, thậm chí 2 – 3 ngày mới đi 1 lần là trẻ bị táo bón.

Hậu quả
Táo bón thường xuyên sẽ gây ra nhiều hậu quả xấu cho trẻ vì phân và các chất cặn bã, chất độc do các vi sinh vật trong đường ruột bài tiết ra không được tống ra theo phân mà đọng lại thời gian lâu ở ruột, cơ thể hấp thu cùng với nước gây độc hại cho cơ thể, làm cho trẻ mệt mỏi, lười ăn, chán ăn và như thế, dinh dưỡng của trẻ sẽ bị kém do rối loạn khả năng hấp thu.
Dù cho nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng táo bón của trẻ thì dinh dưỡng vẫn đóng vai trò quan trọng trong điều trị chứng táo bón cho trẻ.



\"\"


Điều trị táo bón bằng ăn, uống
Tùy vào độ tuổi của trẻ mà ta có biện kháp khắc phục táo bón một cách thích hợp. Lựa chọn chế dộ ăn, uống phù hợp sẽ giúp bé không bị táo bón.

Trẻ dưới 6 tháng tuổi
Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi thì cho trẻ bú mẹ hoàn toàn, vì sữa mẹ vừa có đầy đủ chất dinh dưỡng cho bé vừa không gây tiêu chảy và táo bón cho bé. Tuy nhiên, nếu trẻ dưới 2 tháng tuổi đã bú sữa mẹ hoàn toàn mà vẫn có chứng táo bón thì nhất thiết phải đưa trẻ tới khám ở các cơ sở y tế để được tìm biện pháp khắc phục an toàn.
Ngoài ra, đối với trẻ trên 2 tháng tuổi ta nên cho trẻ uống thêm khoảng từ 50 – 100ml nước, 2 lần mỗi ngày. Nếu sau đó tình trạng của trẻ vẫn không khá lên thì từ 4 tháng tuổi có thể cho trẻ uống thêm nước ép trái cây như: nước dứa, nước lê, nước táo, nước cam mỗi ngày 2 lần với liều lượng từ
40 – 100ml tùy theo tình trạng táo bón của trẻ. Việc chăm sóc trẻ hàng ngày cũng cần lưu ý: tắm nước ấm và massage bụng cho trẻ. Đây cũng được xem là một cách hữu hiệu để khắc phục chứng táo bón. Cách massage như sau: đặt tay lên rốn của bé và massage xung quanh vùng bụng theo chiều kim đồng hồ (theo khung đại tràng), có thể massage tăng dần từ 2 – 4 lần/ngày sau khi trẻ bú từ 1,5 – 2 tiếng.

Trẻ trên 6 tháng tuổi
Đối với những trẻ trên 6 tháng tuổi, trẻ đã có thể ăn những loại thức ăn cắt nhỏ và ninh nhừ, ta nên bổ sung vào bữa ăn của trẻ những thực phẩm có chứa hàm lượng chất xơ cao như: bí, rau cải, mồng tơi, đậu đỗ và súp lơ xanh,… Nếu cho trẻ ăn sữa bổ sung thì tìm loại sữa hợp với tiêu hóa của trẻ. Trẻ còn bú mẹ thì người mẹ phải ăn nhiều rau quả giúp nhuận tràng, uống nhiều nước. Nước trắng có thể uống nhiều, còn nước mận hay táo thì chỉ cần 1 chút cũng rất tốt.

Chế độ ăn dặm
Chế độ ăn dặm của bé có thể tăng dần lên 3 bữa bột/ngày, cho trẻ ăn thêm các loại rau ăn có tính chất nhuận tràng như: rau khoai lang, rau dền, mồng tơi và nghiền bột khoai lang cho trẻ ăn. Lượng chất đạm ăn vừa phải, chỉ 40 – 50g thịt (cá, tôm) trong bữa, mỗi ngày cho trẻ ăn 3 – 4 bữa. Ngoài ra, cho trẻ ăn thêm một số loại quả chín như: đu đủ, chuối tiêu, uống nước ép cam, lê, có thể cam, quýt, bưởi ăn cả múi đối với trẻ đã trên 2 tuổi,… Lưu ý, không được cho trẻ ăn cà rốt, hồng xiêm, ổi vì các loại quả này có thể dễ gây thêm táo bón.
Đối với trẻ nhỏ, nên tập cho trẻ tiếp xúc với rau quả bằng cách bày lên đĩa nhưng không ép trẻ ăn. Phải tập dần để trẻ tập trung vào bữa ăn, ý thức là mình đang ăn thì hệ tiêu hóa mới tiết ra đầy đủ các dịch tiêu hóa vừa tạo sự ngon miệng khi ăn vừa góp phần phòng tránh táo bón cho trẻ.

Massage cho trẻ bị táo bón
Khuyến khích trẻ chạy nhảy, nô đùa mỗi ngày để máu được cung cấp tới tất cả các cơ quan nội tạng, trao đổi chất và thải qua nước tiểu cũng như nhu động ruột tốt hơn giúp trẻ đi ngoài dễ dàng. Nếu trẻ trên 6 tháng tuổi bị táo bón ta có thể massage giúp bé đi ngoài dễ hơn. Cách massage như sau: Dùng 3 ngón tay đặt ở bên bụng trái, dưới rốn của trẻ và ấn nhè nhẹ cho tới khi cảm nhận được khối cứng ở bụng trẻ. Duy trì nhịp ấn trong 3 phút, có thể massage tăng dần 2 – 3 lần một ngày. Đặc biệt massage trước giờ đi ngoài của trẻ

5 cách cho trẻ ăn dặm
– Trẻ 6 – 7 tháng tuổi: 1 bữa bột lỏng khoảng 100 – 200ml
– Trẻ 8 – 9 tháng tuổi: 2 bữa bột đặc 200ml
– Trẻ 10 -12 tháng tuổi: 3 bữa bột đặc 200 ml – 250ml
– Trẻ 12 – 24 tháng tuổi: 3 bữa cháo 250 – 300ml
– Trẻ trên 24 tháng tuổi: Cho trẻ ăn cơm

BS. Phạm Thị Thanh Mai
Nguyên trưởng khoa sơ sinh BV Phụ sản TW

Nguồn : bau.vn