“Giải mã” thế giới đồ chơi của trẻ

(Tạp Chí Bầu) Đồ chơi là thứ không thể thiếu đối với bất kỳ đứa trẻ nào. Xã hội càng hiện đại, mẫu mã đồ chơi càng phong phú và các ông bố bà mẹ cũng hào phóng hơn trong việc mua đồ chơi cho con. Tuy nhiên, có những “bí mật” xung quanh thế giới đồ chơi của trẻ mà có thể bạn chưa hề biết.


Tại sao trẻ thích làm hỏng đồ chơi?
Hằng ngày, bạn phát hiện trẻ thường có ý hoặc vô ý làm hỏng bất kỳ món đồ chơi nào trong tay mình. Bạn không thực sự hiểu tại sao con búp bê bị cắn mũi, cách buồm bị tháo khỏi thuyền, con tuần lộc chỉ còn một chiếc sừng… Hành vi mang tính “phá hoại” này ở trẻ có thể chia thành hai loại: “phá hoại vô ý” và “phá hoại cố ý”.

* Phá hoại vô ý:
Phá hoại vô ý chủ yếu xuất hiện khi trẻ còn nhỏ. Chẳng hạn, bạn đưa cho bé một món đồ chơi mới, trẻ vừa chạm đến đã buông tay, “bụp” một cái đồ chơi rơi xuống đất và hỏng mất. Thời kỳ này, do cơ năng phối hợp phản ứng ở trẻ vẫn còn rất yếu, sự chú ý khó tập trung, nên hành vi phá hoại vô ý chỉ là do nguyên nhân sinh lý tạo thành. Hiện tượng này có thể thông qua một vài rèn luyện tâm sinh lý để giải quyết.

Với những đồ chơi bằng gỗ, bạn có thể dạy trẻ cầm bằng một tay, rồi hai tay, để luyện sức cơ tay cho bé. Cho trẻ thao tác trên chiếc đàn đồ chơi, dạy trẻ vẽ, tô, viết vằng bút bi, bút sáp, để luyện tính linh hoạt và chính xác cho các động tác ngón tay. Bạn cũng có thể fùng chén hay ly nhựa đổ nước vào, bảo trẻ cầm lấy và bước đi chầm chậm sao cho nước không đổ ra ngoài, để luyện sức chú ý và khả năng phối hợp động tác. Các thực nghiệm đã chứng minh, trải qua một thời gian rèn luyện thì hành vi phá hoại vô ý của trẻ sẽ giảm rõ rệt.

* Phá hoại cố ý:
Thật ra, hành vi này cũng không phải đúng nghĩa của từ “phá hoại”. Trẻ làm hỏng đồ chơi chỉ vì muốn biết những món đồ đẹp đẽ, thú vị này rốt cục được làm ra như thế nào. Nói cách khác, là trẻ chỉ muốn tìm hiểu bên trong chúng có những gì. Ngoài ra, khi bản thân món đồ chơi không còn sức hấp dẫn nữa thì cũng giống như lúc đối mặt với một người mình không thích vậy, trẻ sẽ dùng “vũ lực” làm hỏng đồ chơi. Sau đó, “nghiên cứu” những thứ khiến bé cảm thấy “thần bí” bên trong món đồ đó. Hành vi phá hoại cố ý”này chính là kết quả từng bước phát triển của trí lực ở trẻ.

Các ông bố bà mẹ nên hiểu được tâm lý và cơ chế này, để không trách mắng trẻ hư hỏng. Điều cần thiết là bạn phải quan tâm, cổ vũ lòng hiếu kỳ của trẻ, khích lệ tinh thần tìm tòi và ham học hỏi này. Bạn có thể mua cho con những đồ chơi tháo lắp, nhẫn nại trả lời những vấn đề liên quan đến đồ chơi của bé. Với những trẻ đã lớn hơn, bạn có thể chuẩn bị một cây kìm nhỏ, dụng cụ vặn ốc… và hướng dẫn trẻ tháo ráp đồ chơi. Quan trọng là bạn nên nhớ, những lời phê bình, giận dữ, quát mắng đối với hành vi này của bé, dù vô ý hay cố ý, cũng sẽ khiến trẻ mất đi lòng hiếu kỳ, dập tắt lòng ham học hỏi và bất lợi cho việc bồi dưỡng năng lực ở trẻ.

Đồ chơi cũng nói lên tính cách?
Hầu hết các bé đều thích những món đồ chơi, nhưng bạn thử để ý xem, chắc chắn trẻ sẽ yêu thích một món đồ chơi nào đó nhiều nhất. Chính món đồ ấy có thể phản ánh phần nào trạng thái tâm lý và có liên quan nhất định với sự phát triển tính cách ở trẻ.

* Thích ôm những đồ chơi mềm mại:
Đây có thể là đứa trẻ giàu tình cảm, chu đáo và ấm áp. Đồ chơi bằng bông mềm mại thường là những động vật nhỏ đáng yêu, vừa chơi và vừa như một người bạn. Trẻ có thể chơi đùa, hoặc dùng chúng để thể hiện tâm trạng, thỏa mãn nhu cầu tình cảm ở những giai đoạn khác nhau. Ngoài ra, tính chất mềm mại của những món đồ chơi cũng có tác dụng an ủi, ổn định tâm trạng đối với những trẻ có tính cách cô độc, sợ hãi, khao khát yêu thương và quan tâm.

* Thích đồ chơi lắp ráp:
Đây là đứa trẻ có lòng hiếu kỳ mạnh, dễ bị thu hút, sự chú ý duy trì được khá lâu và làm chuyện gì cũng nhẫn nại. Đồ chơi lắp ráp đòi hỏi sự phối hợp của não, tay và mắt, có thể rèn cho trẻ khả năng dùng tay và năng lực phối hợp. Những món đồ lắp ráp bằng nhựa với màu sắc bắt mắt, có thể tháo lắp nhiều lần và nếu chất lượng đảm bảo an toàn, sẽ thật sự cần thiết cho trẻ. Khi khoảng 3 tuổi, bạn cứ để trẻ lắp ráp tùy ý. Đến khi 4 – 5 tuổi, có thể yêu cầu trẻ lắp ráp thành một đồ vật theo hình mẫu, hoặc khích lệ trẻ sáng tạo thêm những hình thù của riêng mình.

* Thích đồ chơi có tính vận động:
Trẻ thích chơi với những thứ đồ chơi như bóng, xe, kiếm nhựa, gậy…, sẽ thể hiện sự hiếu động ngay từ nhỏ. Bố mẹ thường không “yên tâm” với những động tác chạy, nhảy, đá… của trẻ. Tuy nhiên, sự hoạt động ấy cho thấy, trẻ tràn đầy sinh lực, bạo dạn, không che đậy tâm trạng trong lòng. Đó còn chính là “ngôn ngữ”, là một cách biểu đạt của trẻ. Với các bé này, niềm vui bắt nguồn từ sự hoạt động cơ thể, còn đồ chơi chỉ là một “vật trang sức” trong đó mà thôi.

Minh Thư

Tạp Chí Bầu số 58, 10/03/2014

Mọi phản ánh, ý kiến đóng góp, thông tin nóng, bài vở cộng tác của độc giả có thể gửi cho Ban biên tập theo địa chỉ: Email: info@bau.vn / Hotline: 0904 666 276

Nguồn : bau.vn