“Mẹo” giúp bé bớt đau khi tiêm chủng

Tiêm chủng rất cần thiết với trẻ nhỏ, giúp trẻ phòng ngừa một số bệnh nguy hiểm. Do đó, ngoài việc theo dõi lịch tiêm chủng để đưa con đi tiêm phòng kịp thời, cha mẹ cũng cần phải chuẩn bị kỹ tâm lý cho bé bởi có rất nhiều bé “sợ” tiêm.

Khi sợ hãi, bé có thể la hét, dãy dụa làm ảnh hưởng đến quá trình làm việc của bác sĩ, thậm chí còn khiến bé cảm thấy “đau hơn”.

Dưới đây là một vài “mẹo” đơn giản giúp trẻ “can đảm” hơn khi đi tiêm:

1. Làm cho bé phân tâm

Khi bác sĩ sắp tiến hành tiêm, bạn có thể đưa cho bé một món đồ chơi mới, hoặc chỉ cho bé một bức tranh treo trên tường, hoặc cùng bé chơi thổi bong bóng…bé sẽ rất thích thú mà quên mất đi cảm giác đau.

Bạn có thể nghĩ rằng mình đang “đánh lừa” trẻ, nhưng rõ ràng là biện pháp này khá hiệu quả.

2. “Mẹo” ho

Một biện pháp nữa cũng khá hiệu quả, đó là áp dụng mẹo ho. “Mẹo” này được áp dụng với trẻ lớn một chút, độ tuổi từ 4-5 và từ 11-12. Một nghiên cứu được thực hiện năm ngoái đăng trên tạp chí Nhi khoa cho rằng, ho một lần trước khi tiêm và một lần trong khi đang tiêm giúp trẻ giảm đau đớn.

3. Cho trẻ ăn đồ ngọt

Các mẹ hãy áp dụng mẹo này cho bé sơ sinh từ 1 đến 12 tháng tuổi. Trước khi tiêm, hãy cho bé ăn kẹo, hiệu quả giảm đau rất tốt- đó là kết luận từ một phân tích được thực hiện năm 2010.

Theo kết quả của 13 trong số 14 nghiên cứu thử nghiệm, những bé được ăn ngọt khóc ít hơn những bé khác trong khi tiêm, và sau khi tiêm.

4. “Dụ” bé xem phim hoạt hình

Chẳng có cái gì có thể “mê hoặc” được trẻ bằng phim hoạt hình vui nhộn cả. Bạn có bao giờ thấy bé nhà mình có thể ngồi hàng giờ chăm chú theo dõi phim mà không thiết đến ăn chưa?

Bé sẽ bớt đau hơn rất nhiều nếu khi tiêm chủng được cô y tá bật cho xem một bộ phim hoạt hình như “Tom và Jerry” chẳng hạn. Đây cũng là một trong những mẹo làm phân tâm bé, khiến bé chú ý vào một đối tượng khác, một sự việc khác nên không thấy cảm giác đau.

5. Sử dụng kem gây tê

EMLA cream là loại kem gây tê tại chỗ, có thể giúp trẻ giảm đau khi chủng ngừa. Bôi loại kem này, trẻ vừa có cảm giác mát da, hơn nữa vùng da đó còn được làm tê cho nên trẻ không còn cảm giác đau.

6. Không cho bé biết trước

Với những trẻ lớn hơn một chút, việc tiêm chủng có lẽ khó khăn hơn rất nhiều. Trẻ có tâm lý sợ tiêm sẽ tìm cách “trốn” và không chịu theo mẹ đến cơ sở y tế. Do đó, trong vấn đề này cha mẹ cần phải quả quyết, đừng mất thời gian giải thích cho con hiểu việc tiêm chủng là cần thiết và quan trọng như thế nào bởi vì trẻ không bao giờ quan tâm điều đó.

Điều tốt nhất mà cha mẹ có thể làm là nghe theo hướng dẫn của bác sĩ và đối phó với mọi tình huống xảy ra. Bác sĩ và các bậc cha mẹ có thể phối hợp với nhau một cách khéo léo để giúp trẻ bình tĩnh.

7. Cho trẻ ngậm núm vú

Với những trẻ nhỏ hơn (còn đang trong độ tuổi bú sữa mẹ), sử dụng một núm vú giả là một biện áp an toàn, đem lại cho bé cảm giác thoải mái khi tiêm. Những núm vú được nhúng vào nước đường cho có vị ngọt thì càng tốt.

Sau khi tiêm, các mẹ cũng có thể cho bé bú “ti” để bé không còn khóc nữa.

Theo Health

Mọi phản ánh, ý kiến đóng góp, thông tin nóng, bài vở cộng tác của độc giả có thể gửi cho Ban biên tập theo địa chỉ: Email: info@bau.vn / Hotline: 0904 666 276

Nguồn : bau.vn