– Theo chị, Hát ru có tác dụng thế nào đối với nhận thức của trẻ qua từng độ tuổi ?
– Th.s- NSƯT Hoàng Điệp: “Hát ru” là những bài hát nhẹ nhàng, đơn giản được người Mẹ và những người thân của đứa bé hát, giúp cho bé dễ ngủ. Từ lâu, những người nuôi trẻ trên khắp thế giới đều biết cách dỗ trẻ ngủ bằng cách “hát ru”. Phần lớn lời trong các bài “hát ru” đều có xuất xứ từ Ca dao, Đồng dao, Hò vè dân gian và các loại thơ… được truyền miệng qua nhiều thế hệ khác nhau. Do đó, những bài “hát ru” rất đa dạng và mang đậm bản sắc từng địa phương. Có nhiều dạng hát ru: hát ru mang tính nói, ngâm ngợi và hát ru mang tính ca xướng.
Trong “hát ru”, mỗi bà mẹ, người chị đều có một cách hát riêng nhưng nhìn chung đều mang tính “trữ tình” và luôn để lại những ấn tượng sâu sắc trong suốt cuộc đời của đứa con.
Theo nhiều tư liệu y khoa của Âu –Mỹ, thai nhi bắt đầu nghe được tiếng động và giọng nói của người Mẹ từ tháng thứ 4 và thứ 6. Tiếng động có khả năng thay đổi nhịp tim của thai nhi. Tiếng nói “thủ thỉ” của người mẹ có cường độ mạnh vì truyền theo cơ thể mẹ vào thẳng bào thai.
Trong một cuộc khảo cứu của các nhà khoa học Đức, khi đứa bé bị sinh thiếu tháng được cho nghe bản nhạc “Ru con” của Brahms 5 phút trong 6 lần /ngày sẽ lớn nhanh hơn những đứa trẻ sinh thiếu tháng mà không được nghe bản nhạc này(!). Th.s – Nh.tr Hoàng Điệp không chỉ có mặt thường xuyên trong các chương trình hoà nhạc Giao hưởng – Thính phòng của Nhạc viện và của TP.HCM, chị còn là một nhà sư phạm. Các đề tài và chuyên mục chị cộng tác với Báo chí và Đài truyền hình thường mang tính giáo dục cộng đồng rất cao. Năm 2007, chị vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú chuyên ngành chỉ huy Hợp xướng & Dàn nhạc giao hưởng.
Những nhà khoa học đã sớm tìm ra lý do “phát triển tốt “như vậy của trẻ sinh thiếu tháng là do “nhịp điệu của bản nhạc đã đem lại cảm giác “an toàn”, một sự khơi dậy một “tiềm thức quen thuộc” gần giống nhịp tim đập khi bé còn nằm trong bụng Mẹ. Giọng nói, tiếng ru của Mẹ bên tai cho bé biết đang được người yêu thương bảo bọc.
Thật ra, đứa bé khi bắt đầu bước vào lứa tuổi mẫu giáo thì nhu cầu được nghe “hát ru” ngày càng giảm, thậm chí biến thành nhu cầu được nghe “kể chuyện hoặc nghe được truyện cổ tích” trước khi ngủ nhiều hơn. Tuy nhiên, những đứa bé may mắn được nghe “hát ru” thường xuyên trong một thời gian dài trước đó sẽ có khả năng “nhớ” nhiều bài thơ, mẩu chuyện và các tích chuyện ở trường lớp Mẫu giáo và Tiểu – Trung học sau này hơn những trẻ em thiệt thòi khác.
– Qua việc “hát ru”, người mẹ có thể giáo dục trẻ được không?
Th.s- NSƯT Hoàng Điệp: Trong mỗi chúng ta, dù ở bất cứ độ tuổi nào, ít nhiều đều có những ký ức về lời ru tiếng hát của Mẹ, của bà hay của những người từng trông giữ mình hồi nhỏ.
Tiếng “hát ru” như một suối nguồn vô tận trong kho tàng dân ca của các nước, các dân tộc trên thế giới. Tiếng “hát ru” đối với thơ khác nào mạch nước ngầm chảy trong lòng đất âm thầm nuôi lớn cây(!). Thấm lời hát ru, đứa bé sẽ lớn lên trong sự hồn nhiên, nhân cách của bé được hình thành một cách tự nhiên với sự gắn bó
yêu thương không chỉ của người với người mà còn với thiên nhiên, sông núi ruộng vườn…Tiếng hát ru như một hành trang về lòng nhân ái giúp trẻ vào đời với sự hồn nhiên trong sáng.
Mỗi đất nước, mỗi dân tộc đều có những bài hát ru dành cho trẻ em.“Hát ru” là vốn nghệ thuật độc đáo đậm đà bản sắc dân tộc được truyền miệng từ này sang đời khác, nó còn là nét đặc sắc của những gia đình truyền thống Việt Nam. Có rất nhiều chất liệu dân ca các vùng miền của Việt Nam được đưa vào nội dung của lới hát ru:
À ơi…
Cái cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi vào
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục, đau lòng có con…
TD.2 (Miền Trung):
Ru con cho thét cho muồi
Để mạ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán chợ Cầu
Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh
Chợ dinh bán áo con trai
Triệu Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim…
TD.3 (Miền Nam):
Ầu ơ…ví dầu
Cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo
Gập ghền khó qua…
Ấu ơ…
Khó qua mẹ dắt con qua
Con đi trường học
Mẹ đi trường đời…
Ở Việt Nam, có rất nhiều nhạc sĩ đã dựa trên những chất liệu dân ca 3 miền và của các dân tộc thiểu số để viết những ca khúc hát ru như: “Mẹ yêu con” của NS Nguyễn Văn Tý, “Lời ru trên nương” của Nguyễn Khoa Điềm – Trần Hoàn, “Đất nước lời ru” của Văn Thành Nho, “Ca dao Mẹ” của Trịnh Công Sơn…
– Ở từng độ tuổi của trẻ, ru như thế nào cho phù hợp?
Th.s- NSƯT Hoàng Điệp: Tôi còn nhớ, khi con trai tôi được 4 tuổi, thỉnh thoảng nó vẫn đòi tôi: “Mẹ xoa lưng và hát ru con giống như hồi con còn nhỏ đi…” Điều đó, chứng tỏ bé ý thức được mình đã lớn (?). Tuy nhiên, những bài hát ru bây giờ không còn như một nhu cầu không thể thiếu nữa, mà chỉ như một sự “hồi tưởng” những giây phút êm đẹp nhất khi được mẹ thương yêu và dỗ ngủ. Còn trước 3 tuổi, nếu một đức bé đã quen với tiếng hát ru rồi thì thiếu nó, bé sẽ trằn trọc rất lâu. Từ 3 tuổi trở đi, có thể cho bé làm quen với những giai điệu của bài hát ru ngoại quốc như : “Ru con” của Brahms, “Bài hát ru em” của Schubert… vì hầu hết những bài “hát ru” đều mang tính chất nhẹ nhàng, du dương. Qua những giai điệu ấy, bé sẽ cảm nhận được sự bình yên cho tâm hồn với những ước nguyện của người mẹ dành cho nó trong tương lai như những bài học đầu tiên của cược đời.
-Trong đời sống hiện đại ngày nay, nhiều bậc cha mẹ hầu như không thuộc các bài hát ru… Vậy họ có thể khắc phục bằng cách nào?
Th.s- NSƯT Hoàng Điệp: Rất tiếc là trong đời sống hiện ngày nay, nhiều bà mẹ và ông bố trẻ không còn biết “hát ru” cho con mình ra sao nữa. Phải chăng đây là một phần lỗi lầm do các bậc cha mẹ chưa có ý thức truyền dạy cho con cháu mình trước khi chúng lập gia đình? Hay là lỗi của xã hội hiện đại trong cơ chế “kinh tế thị trường”, khi mà những bữa cơm đoàn tụ gia đình đang ngày càng trở nên hiếm hoi, thì việc rao dạy con cháu phải biết “hát ru” là điều không còn cần thiết nữa?!
Chỉ có thể khắc phục bằng cách là: những bậc cha mẹ ấy phải hiểu rằng con cái là niềm vui tuổi già của mình, dù bận rộn đến đâu, mỗi ngày cũng phải có thời gian dành cho những đứa con của mình, đó là khi đứa bé lên giường đi ngủ, dù chỉ là 15-20 phút (nhiều hơn thì càng tốt vì đây là những khoảnh khắc vàng ngọc và tuyệt vời nhất), cha mẹ sẽ dành cho chúng những giây phút để “tâm sự”, hỏi thăm những gì xảy ra ở trường, kể chuyện cho chúng nghe, tư vấn thêm về cuộc sống…
Nếu duy trì điều này được thường xuyên và càng nhiều càng tốt, chắc chắn những đứa trẻ trong các “gia đình hiện đại” sẽ không bị lâm vào cảnh “chỉ nghe lời hoặc gần gũi với người giúp việc hơn cha mẹ mình”, ở tuổi dậy thì thì lâm vào những khủng hoảng tâm lý như “cô đơn, trầm uất”… dẫn tới việc chơi game quá độ, lên mạng “chat chit”, thậm chí, đáng tiếc hơn là đàn đúm với những bạn xấu rồi dẫn đến những hậu quả khôn lường khác.
-Việc hát ru hầu như được xem là một đặc quyền của người Mẹ, vậy người Cha có thể tham gia bằng cách nào, để phát huy hết những hiệu quả của lời ru trong mối quan hệ Cha- con?
-Th.s- NSƯT Hoàng Điệp: Đúng là hát ru được coi như 1 đặc quyền của người Mẹ. Trong nhiều tuyển tập được sưu tầm về hát ru thì lời ru của người phụ nữ vẫn chiếm ưu thế hơn của đàn ông, cũng như số nghệ nhân thuộc những bài hát ru đa phần là phái nữ. Nhưng đối với gia đình mà người đàn ông lại là “Gà trống nuôi con” thì sao? Tôi đã từng được nghe một ông bố “gà trống nuôi con” hát ru đứa con gái của mình. Nghe cũng da diết, trữ tình lắm nhưng cách hát ru nghe có vẻ “vụng về và cục mịch” hơn những người Mẹ, người Bà hát ru.
Có lẽ, đây là một đặc điểm về “thiên chức” của tự nhiên!? Tuy nhiên, đàn ông lại có những cách biểu hiện tình thương yêu với những đứa con của mình rất khác. Họ không biểu hiện qua tiếng hát và lời ru mà bằng những sự âu yếm, quan tâm theo kiểu của “đàn ông” mà dường như tình “phụ tử thiêng liêng” đã mách bảo cho đứa bé nhận thức được tình yêu thương và mối quan tâm của người cha dành cho nó. Ngoài sự nuôi dạy hàng ngày cha mẹ, đáu bé nếu nhận được cả 2 yếu tố: Mẹ âu yếm hát ru, được cha quan tâm chăm sóc thì chắc chắn khi lớn lên bé sẽ là một con người hoàn thiện, có ích cho xã hội.
-Xin cảm ơn về cuộc phỏng vấn thú vị này.
Nguồn : bau.vn