Một khi các bệnh răng miệng đã xuất hiện, sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai, dinh dưỡng, giao tiếp và thẩm mỹ. Hơn thế, các bệnh răng miệng còn gây ảnh hưởng đến kinh tế nói chung và năng suất lao động của mỗi cá nhân nói riêng. Chính vì vậy, việc chăm sóc răng miệng cần phải được nâng cao, tập trung vào từng giai đoạn phát triển của mỗi người, từ trong bụng mẹ, phát triển thành một đứa trẻ và tiếp tục cho đến suốt cuộc đời.
Trước sinh
Phụ nữ mang thai cần được kiểm tra tổng quát và vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đồng thời thực hiện những điều trị nha khoa cần thiết bởi những vi khuẩn gây sâu răng có thể truyền từ mẹ sang con sau khi bé được sinh ra: chải răng tối thiểu hai lần một ngày với kem đánh răng có chứa fluoride. Sử dụng bàn chải lông mềm sao cho đảm bảo vệ sinh được toàn bộ các mặt răng và đặc biệt vùng tiếp giáp răng với lợi. Đây chính là khởi nguồn của bệnh lợi; hạn chế ăn đồ ngọt hay bữa phụ nhiều tinh bột trong ngày: uống ít đồ uống có đường và ăn ít đồ ngọt, nước uống có ga và các loại kẹo ngọt có thể gây ra sâu răng. Ăn nhiều trái cây và rau củ; cung cấp đầy đủ canxi: mẹ mang thai cần lượng canxi cho sự phát triển của răng và xương của em bé. Canxi có thể được tìm thấy trong sữa, phô mát, đậu khô và những loại rau có lá xanh.
Hướng dẫn trẻ chải răng đúng cách để hạn chế sâu răng.
Từ 0 – 6 tháng
Kiểm tra lượng fluoride: fluoride giúp ngăn ngừa hình thành sâu răng và làm răng chắc khỏe hơn. Hãy xin tư vấn của nha sĩ hoặc bác sĩ xem nguồn nước đang sử dụng có đảm bảo lượng fluoride giúp ngăn ngừa sâu răng hay không. Nếu không đủ, hoặc bạn sử dụng nước đóng chai để nấu hay uống, bác sĩ hay nha sĩ của bạn có thể kê thêm fluoride để bổ sung cho em bé; tránh cho trẻ bú bình trong lúc ngủ. Bú bình không những có thể gây sâu răng mà còn gây ra nhiều hậu quả khác ví dụ như tăng nguy cơ mắc hội chứng ngừng thở khi ngủ. Nếu bé bú sữa mẹ, tránh để bé ngậm ti liên tục.
Những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng người chăm trẻ có thể truyền những vi khuẩn gây sâu răng cho bé ngay khi bé bắt đầu mọc răng. Điều này có thể xảy ra thông qua việc dùng chung và/hoặc nếm thức ăn của bé hoặc để bé cho tay vào miệng bạn. Có những lỗ sâu chưa được trám cũng đồng nghĩa sẽ có nhiều cơ hội để truyền những vi khuẩn này hơn, vì thế cần trám những lỗ sâu này ngay khi có thể
6-18 tháng
Hạn chế tối đa việc bú bình liên tục trong ngày và bú bình trong lúc ngủ. Vệ sinh răng miệng cho trẻ hàng ngày. Khi răng của trẻ bắt đầu mọc vào tháng thứ 6, bạn nên lau sạch răng cho trẻ hàng ngày bằng bàn chải trẻ em mềm, ướt. Vén môi và quan sát răng của trẻ. Nếu bạn nhìn thấy các đốm màu nâu hoặc màu trắng như phấn, hãy đưa trẻ đến nha sĩ để khám và điều trị. Ngay khi trẻ được một tuổi, cần đưa trẻ đi khám ở nha sĩ lần đầu tiên!
18-24 tháng
Sau đây là ba cách quan trọng để bảo vệ nụ cười của trẻ trong giai đoạn chập chững biết đi: giảm bớt số lần ăn bữa phụ của trẻ trong ngày; tránh cho trẻ uống nước có ga, kẹo ngọt và thực phẩm giàu tinh bột như khoai tây chiên hay bánh quy dính; tránh ăn vặt liên tục. Mỗi lần trẻ ăn kẹo hay thức ăn giàu tinh bột, axít sẽ tấn công răng của trẻ. Axít tấn công càng nhiều thì sâu răng xuất hiện càng nhiều. Nếu bạn quyết định cho trẻ ăn kẹo hay thực phẩm giàu tinh bột, hãy cho trẻ ăn vào bữa chính; giảm số bữa nhẹ xuống 2-3 lần một ngày. Chải răng ít nhất hai lần một ngày.
Chải răng cho trẻ sau bữa ăn sáng và trước khi đi ngủ. Sử dụng bàn chải mềm, phù hợp với trẻ nhỏ để làm sạch răng và lợi của trẻ. Nếu trẻ đã biết nhổ sau khi chải răng, hãy cho trẻ chải răng với một lượng kem đánh răng chứa fluoride dành tro trẻ em với lượng cỡ bằng hạt đậu. Trẻ có thể bắt đầu thực hành tự chải răng, nhưng bạn sẽ phải giám sát và giúp đỡ trẻ. Đa số trẻ em có thể chải răng thuần thục khi chúng từ 6 tuổi trở lên.
2-5 tuổi
Một bộ răng sữa khỏe mạnh sẽ góp phần đảm bảo chức năng ăn nhai, thẩm mỹ, giao tiếp và tạo tiền đề tốt cho một bộ răng vĩnh viễn khỏe mạnh. Khám răng định kỳ là hết sức quan trọng để duy trì một sức khỏe răng miệng tốt.
Các bậc phụ huynh hãy giúp các con chải răng mỗi ngày ít nhất 2 lần, mỗi lần 3-5 phút sử dụng bàn chải thông thường hoặc bàn chải điện có lông mềm. Đưa trẻ đi khám răng định kỳ 6 tháng một lần, bắt đầu từ lúc trẻ được 2 tuổi rưỡi – 3 tuổi, hoặc theo chỉ định của nha sĩ.
6-12 tuổi
Trẻ sẽ trải qua nhiều thay đổi trong giai đoạn này bởi hàm răng sữa sẽ dần được thay thế bởi hàm răng vĩnh viễn. Răng vĩnh viễn thường to hơn và màu sắc vàng hơn so với răng sữa. Giai đoạn này được gọi là giai đoạn “Vịt con xấu xí” bởi đôi lúc có hiện tượng chen chúc răng và kém thẩm mỹ. Nhưng các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng bởi xương hàm của trẻ vẫn đang phát triển.
Chiếc răng vĩnh viễn đầu tiên mọc lên thông thường là răng cửa hàm dưới vào khoảng 6 tuổi; chiếc răng hàm vĩnh viễn đầu tiên mọc lên thường được gọi là “răng hàm sáu tuổi”. Nó sẽ xuất hiện sau răng hàm sữa cuối cùng và không thay thế vị trí của răng sữa.
Trong suốt những năm tháng phát triển của trẻ, trải qua những giai đoạn khác nhau, bộ răng của chúng sẽ tiếp tục có những thay đổi. Một số trẻ sẽ cần phải đến khám bác sĩ chỉnh nha để dựng thẳng những răng bị nghiêng hay sắp đều các răng trên cung hàm.
BS. Lê Quỳnh Anh
https://suckhoedoisong.vn/cham-soc-rang-mieng-cho-tre-theo-do-tuoi-n105421.html
Mọi phản ánh, ý kiến đóng góp, thông tin nóng, bài vở cộng tác của độc giả có thể gửi cho Ban biên tập theo địa chỉ: Email: info@bau.vn / Hotline: 0904 666 276
Nguồn : bau.vn