“Chỗ tế nhị” của bé, chuyện gì đang xảy ra?

Nhiều bố mẹ tá hỏa khi thấy “chỗ ấy” của em bé nhà mình không “bình thường” như em bé những nhà khác. Đa số những “nỗi niềm” này là do bố mẹ không đủ kiến thức và quá lo lắng cho con, nhưng cũng có những trường hợp thực sự là bất thường, cùng tìm hiểu để bớt lo lắng hơn bố mẹ nhé!

Tinh hoàn lạc chỗ

Tinh hoàn phát triển trong ổ bụng của bào thai bé trai và sẽ chuyển xuống bìu trong vài tuần cuối trước khi sinh hoặc sau khi sinh một thời gian. Dù vậy, đôi khi, một hoặc cả hai tinh hoàn sẽ không rơi đúng chỗ của nó và tình trạng này được gọi là “tinh hoàn lạc chỗ”. Trong một số trường hợp, tinh hoàn có thể đã chuyển xuống bìu, nhưng ống bẹn (ống dẫn giữa ổ bụng và háng – tồn tại ở cả bé trai và bé gái) không đóng hẳn nên tinh hoàn có thể di chuyển qua lại giữa ổ bụng và bìu – gọi là ẩn tinh hoàn. Vấn đề này gặp ở khoảng gần 1% bé trai và tỉ lệ cao hơn ở bé trai sinh non.

Cần phải làm gì? Trong hầu hết các trường hợp, tinh hoàn của bé sẽ nằm đúng chỗ trong khoảng từ 6-12 tháng sau sinh. Nếu sau thời gian này mà tinh hoàn vẫn không xuống bìu, bé trai sẽ cần can thiệp bằng liệu pháp hormone hoặc tiểu phẫu.

Thoát vị bẹn

Đây là một rắc rối khác của việc ống bẹn bị hở. Các mô ở bụng – chẳng hạn ruột, có thể mắc vào chỗ hở tạo thành nút phình không gây đau ở vùng háng bé trai và bé gái – có thể nhìn thấy được khi bạn thay tã cho bé. Thoát vị bẹn có thể gặp ở bất kỳ tuổi nào và phổ biến ở bé trai hơn là bé gái.

Cần phải làm gì? Bé cần được tiểu phẫu để đóng ống dẫn bị hở nhằm tránh dẫn đến thoát vị nghẹt – xảy ra khi một đoạn ruột mắc kẹt vào ống bẹn và làm cắt đứt nguồn cung cấp máu đến phần ruột này. Chỗ phình lúc này sẽ sưng to, cứng và gây đau đớn cực độ. Bé có thể nôn mửa, khóc ngằn ngặt, ăn uống khó khăn hoặc cả sốt; bạn cần đưa bé đến bệnh viện ngay.

Tràn dịch tinh mạc (sưng bìu)

Cũng lại là một vấn đề liên quan đến ống bẹn, tuy nhiên tình trạng này chỉ ảnh hưởng đến các bé trai. Khi ống bẹn của bé trai không đóng được, dịch từ ổ bụng của bé có thể tràn xuống và đọng ở túi bìu. Điều này có thể không gây đau đớn cho bé nhưng tinh hoàn của bé sẽ trông như bị sưng.

Cần phài làm gì? Tình trạng tràn dịch tinh mạc cũng đem đến những nguy cơ tương tự như thoát vị bẹn, vì vậy nếu nó không tự khỏi, bác sĩ cần phải can thiệp bằng tiểu phẫu sau khi bé được 1 tuổi để trích dịch và đóng ống dẫn.

Chăm sóc kỹ lưỡng “vùng kín” của bé. (google image)

Nhiễm trùng đường tiểu (UTI)

Nhiễm trùng đường tiểu là tình trạng vi khuẩn sinh sôi trong đường tiểu của bé. Trong năm đầu đời, vấn đề này gặp nhiều hơn ở bé trai, đặc biệt là những bé không được cắt bao quy đầu (do phần da quy đầu có thể là nơi lưu trú của vi khuẩn). Nhưng bé gái cũng có thể bị nhiễm trùng đường tiểu do về mặt giải phẫu học, niệu đạo và hậu môn của bé gái nằm rất gần nhau. Trong nhiều trường hợp, sốt cao không rõ nguyên nhân là triệu chứng duy nhất của nhiễm trùng đường tiểu, nhưng bạn cũng có thể bắt gặp những dấu hiệu khác ở bé như: nước tiểu có mùi lạ, cáu kỉnh bất thường, ăn kém hoặc nôn mửa. Bạn cần cho bác sĩ biết tình trạng này, vì nếu không được điều trị kịp thời, nhiễm trùng đường tiểu có thể gây hại cho thận bé.

Cần phải làm gì? Liệu trình điều trị bằng kháng sinh (thường là trong 10 ngày) có thể giải quyết được tình trạng này.

Dính môi âm hộ

Các nếp da phía trước âm đạo có thể bị kết vào nhau, xảy ra sau khi da bị tổn thương, lên da non hoặc kích ứng (có thể là hệ quả của hăm tã). Tình trạng này có thể có nhiều mức độ dính khác nhau, ít khi gây đau, và thường không làm cản trở tiểu tiện.

Cần phải làm gì? Trong hầu hết trường hợp, bạn không nên làm gì cả, đặc biệt đừng cố tách nếp dính ra. Tình trạng này thường sẽ tự khỏi và mất hẳn khi bé gái bước vào tuổi dậy thì với mức sản sinh estrogen tăng vọt. Nếu bé gái gặp vấn đề với việc tiểu tiện hoặc nhiễm trùng đường tiểu, bác sĩ nhi khoa có thể cho bạn kem bôi hoặc ở một số ít trường hợp, bé sẽ được phẫu thuật tách dính.

Dính đầu dương vật

Vấn đề này liên quan đến việc cắt bao quy đầu cho bé. Sau khi cắt, phần ngọn dương vật có thể dính với các vùng xung quanh. Vùng da cắt có thể dính vào đầu dương vật, dấu hiệu lâm sàng trông như có một lớp phim mỏng bọc lấy đầu dương vật hoặc trông như chưa hề được cắt bao quy đầu.

Cần phải làm gì? Dính đầu dương vật thường không gây đau đớn và tự khỏi khi dương vật của bé phát triển mà không cần can thiệp điều trị. Nếu phần dính này mở rộng, bác sĩ có thể cho thuốc mỡ bôi để cải thiện.

Theo parents

Mọi phản ánh, ý kiến đóng góp, thông tin nóng, bài vở cộng tác của độc giả có thể gửi cho Ban biên tập theo địa chỉ: Email: info@bau.vn / Hotline: 0904 666 276

Nguồn : bau.vn