Để bé không sợ bác sĩ

Bố mẹ đã “phản bội” bé bằng cách ghì chặt để “tiếp tay” cho một cô/chú mặc ‘blue trắng’ chích vào da thịt bé những mũi tiêm đau nhói. Cùng với thuốc đắng, tiêm đau, chính “thảm cảnh” bị “phản bội” đã khiến bé ghét bác sĩ và phòng khám. Làm thế nào để giúp bé không sợ bác sĩ? Dưới đây là mấy gợi ý cho mẹ bé:


1. Tuyệt đối không dùng bác sĩ để hù dọa bé. Những câu dọa dẫm kiểu như: “Nếu con không chịu ăn, mẹ sẽ đưa đến bác sĩ” sẽ khiến bé hình dung bác sĩ giống như “ngáo ộp”.

2. Hãy tạo dựng cho bé mối thiện cảm với bác sĩ bằng cách bày cho bé chơi trò khám bệnh. Trong đó, bé sẽ sắm vai bác sĩ và bệnh nhân là em búp bê Babie hay chú gấu bông Teddy. Với bộ y cụ đồ chơi (tai nghe, cặp nhiệt độ, kim tiêm….), “bác sĩ nhí” sẽ khám và điều trị cho “bệnh nhân” Teddy đang viêm họng, Babie đang đau chân hay chuột Mickey đang sốt… Thi thoảng bố mẹ cũng làm bệnh nhân cho “bác sĩ con” ra tay chăm sóc. Được trải nghiệm công việc của các bác sĩ, bé sẽ cảm thấy gần gũi và yêu mến họ hơn.

3. Khi phải đưa con đi khám, mẹ đừng tìm cách… lừa con bằng cách bảo rằng đi chơi nhà bà ngoại hay công viên… Thay vào đó, bố mẹ hãy thông báo đàng hoàng rằng mình đến bác sĩ để khám bệnh, giống như bé vẫn khám cho búp bê Babie. Vì đã quen với trò chơi bác sĩ, bé sẽ không lo lắng nhiều và đón nhận chuyện đi khám bệnh nhẹ nhàng hơn bạn tưởng.

4. Hãy mang theo một cuốn sách hay, có hình ảnh vui mắt để chỉ cho con xem hoặc đọc cho con nghe trong lúc ngồi chờ. Lưu ý là hãy đọc thật diễn cảm để cuốn hút bé vào câu chuyện và quên đi căng thẳng.

5. Một món đồ chơi yêu thích mang theo cũng là liều thuốc “an thần” giúp bé con quên đi sợ hãi trong khi chờ đợi.

6. Hãy ở ngay bên cạnh con lúc bác sĩ đang khám. Bởi trong thời khắc “cam go” đó, bé rất cần cảm nhận được tình yêu thương, vòng tay chở che của cha mẹ.

7. Đừng dối con là thuốc ngon như… kẹo và chích thuốc chẳng đau tẹo nào. Bạn hãy nói thật rằng thuốc có thể hơi đắng, tiêm cũng đau tí tẹo, nhưng sẽ qua ngay. Trong lúc con đang tiêm, mẹ hãy dịu dàng và bình tĩnh ôm lấy con, vỗ về con. Có thể hứa sẽ thưởng cho con một món ăn con vẫn yêu thích vì con đã tiêm thuốc thật ngoan, uống thuốc rất giỏi.

8. Thử hỏi bác sĩ để biết có thể dùng thuốc gây tê cho bé hay không nếu loại thuốc sắp tiêm sẽ gây đau đớn và khiến con sợ hãi.

9. Bản thân mẹ cũng cần phải tỏ ra thật bình thản, tự tin. Thái độ này sẽ khiến bé cảm thấy an lòng hơn và nỗi sợ nhờ thế cũng vơi đi. Nếu cảm thấy bố mẹ có vẻ bối rối, âu lo thì bé cũng…hùa theo ngay.

Mọi phản ánh, ý kiến đóng góp, thông tin nóng, bài vở cộng tác của độc giả có thể gửi cho Ban biên tập theo địa chỉ: Email: info@bau.vn / Hotline: 0904 666 276

Nguồn : bau.vn