“Đối phó” với các yêu sách của trẻ

Mới đây, trong chuyến đi du lịch nghỉ mát của cơ quan, mình tận mắt chứng kiến cảnh nhóc tì (hơn 2 tuổi) – con một đồng nghiệp đòi mẹ mua đồ chơi và vì bị mẹ từ chối ‘yêu sách’ nên đã quay ra dằn dỗi, vùng vằng.


Chưa hết, cô bé còn ăn vạ bằng cách đập đầu xuống đất rồi khóc lóc. Vì ngại đồng nghiệp nên chị đành chiều theo đòi hỏi của con. Rất nhiều bậc cha mẹ cũng gặp trường hợp ‘con hư’ như thế mà chưa tìm ra cách ‘đối phó’. Tại sao các nhóc tì tuổi mẫu giáo lại ngang ngạnh, không chịu nghe lời? Một phần do cha mẹ chưa học được nghệ thuật nói ‘Không’.

“Không ít lần con bé có những đòi hỏi vô lý. Mình đã nghiêm khắc nói ‘Không’ nhưng xem ra vô ích. Có lẽ cái tuổi ẩm ương này nó thế. Lớn lên chắc sẽ ngoan hơn”, chị đồng nghiệp của mình than thở.

Không riêng gì đồng nghiệp của mình phải đau đầu với trẻ lên 2 ương bướng, rất nhiều bậc cha mẹ cũng gặp trường hợp ‘con hư’ tương tự mà chưa tìm ra cách ‘đối phó’. Tại sao các nhóc tì tuổi mẫu giáo lại ngang ngạnh, không chịu nghe lời? Một phần do cha mẹ chưa học được nghệ thuật nói ‘Không’.

Vậy nói ‘Không’ sao để trẻ ‘tâm phục, khẩu phục’? Dưới đây là một vài mách nước cho các bậc phụ huynh.

Nói ‘không’ sao cho trẻ tâm phục khẩu phục
1. Nói ‘Có’ mà ‘Không’

Đang đi shopping, tự nhiên nhóc tì nhà bạn ‘giở chứng’ đòi mua kẹo và bạn nhắc nhở: “Con không được ăn kẹo trước bữa tối”. Ngay lập tức, bé quay ra dậm chân tỏ ý khó chịu và vô cùng bức xúc. Đôi khi, con trẻ sẽ không hiểu, không chấp nhận lý do tại sao bạn nói ‘Không’. Vì vậy, thay vì từ chối một cách thẳng thắn, bạn nên tìm một cách diễn đạt khác dễ lọt tai trẻ hơn, ví như: “Được, con sẽ có kẹo sau bữa tối. Còn giờ, hãy ăn táo nhé!’

2. Cho bé sự lựa chọn

Bé cứ nghịch và ném bóng trong phòng khách khiến bạn cảm thấy phiền? Bạn bực mình gắt: “Dừng lại ngay, không được chơi bóng trong nhà”. Thấy bạn gắt gỏng, bé có thể sẽ chấm dứt hành vi của mình đôi phút, nhưng sau đó rất có thể ‘ngựa sẽ quen đường cũ’, bé lại tiếp tục trò chơi của mình. Do đó, thay vì ‘ra lệnh’ cho bé bằng câu nói ‘Không’ đầy cấm đoán, hãy cho bé chọn lựa “Con muốn chơi bóng trong nhà hay là mang ra ngoài chơi?”

Với việc đưa ra lựa chọn, bạn khiến bé cảm thấy như có nhiều quyền lực hơn trong tình huống này. Đối với trẻ từ 1 đến 3 tuổi, nên khuyến khích chúng tự lựa chọn và phát huy tính độc lập tự chủ. Nhưng tránh đưa ra nhiều lựa chọn. Đối với trẻ mới biết đi và trẻ sắp đến trường, chỉ hai lựa chọn là phù hợp.

. Vừa nói vừa hướng dẫn

Bé 2 tuổi đang cấu véo đứa em mới sinh, bạn nhìn thấy, hốt hoảng quát: “Không, dừng lại!”. Nhưng xem ra chẳng ích lợi gì, bé vẫn tiếp tục hành vi của mình. Tại sao bé không dừng lại? Đơn giản vì bé không biết làm gì thay thế. Bởi thế, nghĩa vụ của bạn là giúp bé hình dung ra việc cần làm bằng các mách nước khéo léo. Ví dụ, bạn nhắc: “Đừng cấu em, hãy hôn em một cái đi nào!”, hoặc một vài gợi ý tương tự để bé hình dung ra việc nên làm.

Hoặc con bạn khá lém lỉnh, ưa chạy nhảy khiến bạn cảm thấy ‘quay cuồng’. Muốn giảm bớt sự hiếu động của con, bạn có thể nhẹ nhàng dụ dỗ: “Con bảo đôi chân dừng lại nào”, thay vì quát: “Không chạy nhảy nữa, chóng mặt quá!”. Nếu bé vẫn chưa hiểu ý bạn, bạn có thể nói một cách đơn giản hơn: “Nhẹ chân” và đặt tay lên chân bé để hướng dẫn.

Sự hài hước và tâm lý của bạn sẽ đánh trúng ‘tim đen’ ưa nịnh trẻ và chúng sẽ cười toe, sẵn sàng nghe theo lời đề nghị của bạn.
Theo một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học, trung bình 1 ngày, trẻ mới biết đi sẽ phải nghe từ ‘Không’ khoảng 400 lần. Bị từ chối quá nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến con trẻ. Trẻ nghe từ không quá nhiều sẽ có kỹ năng ngôn ngữ kém hơn so với trẻ được cha mẹ đáp ứng nhu cầu thông tin một cách tích cực. Hơn nữa, nói không quá nhiều dễ gây phản tác dụng, trẻ sẽ phớt lờ, không nghe lời hoặc vô cùng tức giận khi luôn luôn bị cấm đoán, khước từ.

Mọi phản ánh, ý kiến đóng góp, thông tin nóng, bài vở cộng tác của độc giả có thể gửi cho Ban biên tập theo địa chỉ: Email: info@bau.vn / Hotline: 0904 666 276

Nguồn : bau.vn