Chỉ khi con vào viện, nhiều bậc cha mẹ mới bàng hoàng biết con bị suy dinh dưỡng thể phù chứ không phải “bụ bẫm” như vẫn nghĩ.
Cha mẹ kinh ngạc
Nặng chưa đầy 8kg nhưng trông bé Hoàng Mỹ Vân, 10 tháng tuổi, ngụ tại huyện Cần Giờ (TP HCM) có khuôn mặt bầu bĩnh, tròn trịa. Bé Vân luôn được mọi người trong cùng khu trọ cấu yêu vì trông bé rất bụ bẫm. Cha mẹ bé Vân chỉ thực sự kinh ngạc khi đưa con đến bệnh viện trong một lần bé Vân bị ốm. Bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 sau khi khám tổng quát đã kết luận bé Vân ngoài bị sốt viêm họng còn bị suy dinh dưỡng thể phù, hay còn gọi là Kwashorkor.
Tương tự, bé Trương Quỳnh Anh, 4 tháng tuổi, ở quận Tân Bình, TP HCM, nhập Viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng tiêu chảy, rối loạn sắc tố da. Cũng giống như cha mẹ bé Vân, phụ huynh bé Quỳnh Anh rất bàng hoàng khi hay tin con gái yêu bị suy dinh dưỡng thể phù chứ không phải bụ bẫm như mọi người thường nhận xét. Chị Nga, mẹ bé cho biết: Do ít sữa nên ngay từ khi Quỳnh Anh được gần 1 tháng tuổi, chị đã cho con uống thêm sữa ngoài. Khi đi chợ, chị được người bán hàng tư vấn nên cho con uống loại sữa bột ký dành cho trẻ em với giá rất “hữu nghị” mà lại lên cân tốt. Tin tưởng, chị mua về nửa kilôgam cho con gái dùng thử, không ngờ bé lên cân thật.
Chỉ sau vài tháng dùng loại sữa này, mặt bé Quỳnh Anh tròn vành vạnh khiến chị Nga càng tin tưởng loại sữa đang dùng. “Tuy cháu phải vào viện nhưng tôi vẫn thấy còn may mắn, bởi nếu không, tôi vẫn tin tưởng duy trì chế độ dinh dưỡng hàng ngày của con do thấy cháu vẫn bụ bẫm”- chị Nga tâm sự.
Theo bác sĩ Hoàng Lê Phúc, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 1, trẻ bị suy dinh dưỡng thể phù là do không được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là protein. Trẻ em bị bệnh này tuy thiếu dinh dưỡng nhưng cơ thể bé lại bị phù khiến người nhà lầm tưởng là bé mập mạp, nên càng tin tưởng hơn vào chế độ dinh dưỡng đang dùng. Với trường hợp bị suy dinh dưỡng thể phù do dùng sữa bột, bác sĩ Phúc cho hay, sữa bột nguyên kem tuy có nhiều dưỡng chất nhưng trẻ khó hấp thu và thường gây tổn thương niêm mạc ruột. Tổ chức Y tế Thế giới từng khuyến cáo không dùng sữa bột nguyên kem cho trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
Tương tự, BSCKII Nguyễn Thị Thu Hậu,Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho rằng, nguyên nhân trẻ bị suy dinh dưỡng thể phù là khẩu phần ăn không được cung cấp đủ chất đạm nhưng vẫn nhận đủ hoặc gần đủ năng lượng từ chất bột đường hay chất béo nên mặt trẻ nhìn vẫn tròn trịa.
Phát hiện thế nào?
Theo BSCKII Nguyễn Thị Thu Hậu, mặc dù suy dinh dưỡng thể phù ở trẻ em ít gặp hơn thể teo đét, nhưng việc điều trị thể phù khó khăn hơn và tỉ lệ tử vong cao. Đặc điểm của suy dinh dưỡng thể phù là mặt bệnh nhân nhìn vẫn tròn trịa nhưng chân tay khẳng khiu, trương lực cơ yếu, rối loạn sắc tố da, thiếu máu, gan to, thoái hóa mỡ, phù, giảm đạm máu.
Dễ nhận thấy nhất trẻ bị suy dinh dưỡng thể phù là phù ở mí mắt, mặt và hai chân. Sau đó, nếu không được phát hiện và xử trí, trẻ sẽ tiếp tục diễn tiến nặng hơn với phù toàn thân kèm theo tràn dịch màng bụng, màng tinh hoàn… Phù làm cho trẻ trông có vẻ mập ra, sổ sữa và có thể tăng cân. Ngoài biểu hiện phù, trẻ còn có rối loạn sắc tố da như: Có vết loang lổ trên da, có những chấm hoặc nốt rải rác hoặc tập trung thành từng mảng màu đỏ, nâu, đen, da khô, bong vẩy, dễ bị hăm đỏ, lở loét.
Để phòng ngừa suy dinh dưỡng thể phù ở trẻ em, bác sĩ Thu Hậu khuyến cáo nên tận dụng nguồn sữa mẹ triệt để với những trẻ mới sinh. Nếu phải sử dụng sữa ngoài, nên chọn đúng loại sữa phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Còn khi trẻ đã lớn, muốn bổ sung thêm sữa trong khẩu phần hàng ngày, nên chọn các loại sữa có chất lượng đáng tin cậy.
Nếu trẻ gặp phải các vấn đề về sức khỏe và nuôi dưỡng hoặc có thắc mắc, nên sớm tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa. Chế độ ăn dặm của trẻ phải cân đối với đủ 4 nhóm thức ăn như: Bột + đạm + béo + rau quả tươi.
Mọi phản ánh, ý kiến đóng góp, thông tin nóng, bài vở cộng tác của độc giả có thể gửi cho Ban biên tập theo địa chỉ: Email: info@bau.vn / Hotline: 0904 666 276
Nguồn : bau.vn