Hướng dẫn ủ trà Kombucha vừa ngon vừa tốt cho hệ tiêu hóa

Kombucha vẫn luôn được biết đến là thức uống tuyệt vời, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Đây cũng được coi là thức uống trẻ hóa.

Kombucha là một trà lên men tự nhiên, sủi bọt có hương vị thơm lừng đang ngày càng trở nên phổ biến. So với nhiều lựa chọn bổ sung probiotic khác như mua sữa chua đóng hộp,kombucha cho gấp ít nhất x3 lần số lượng lợi khuẩn, rất dễ làm, dùng được cho cả tuần và sẽ tiết kiệm cho bạn 1 chi phí đáng kể.

Kombucha là gì?

Kombucha là một loại thức thức uống lên men, có nguồn gốc từ Viễn Đông Trung Quốc, cách ngày nay khoảng 2000 năm.

Thành phần chính bao gồm trà đen, đường, vi khuẩn và nấm men. Để làm được kombucha, người ta cần phải có một con giống ban đầu được gọi là SCOBY – kết quả của quá trình cộng sinh vi khuẩn và nấm men. Sau đó cho vào trà và đường để lên men trong vòng 1 tuần. Ngày nay, công thức làm trà này vẫn được giữ nguyên nhưng người ta có thể thay thế trà đen bằng trà xanh hay bạch trà.

kombucha

Kombucha có chứa các vitamin B, enzyme, probiotic và có hàm lượng axit cao. Do đó, trà lên men này có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe đặc biệt là với hệ tiêu hóa. Trà kombucha được hình thành nhờ quá trình lên men nên trà thường có mùi bia hay giấm táo, khi uống có vị như rượu vang hoặc giấm, chua chua thanh thanh.

Lợi ích của trà đối với sức khỏe

Trên thực tế, những công dụng của trà kombucha vẫn chưa được chứng minh bởi khoa học một cách rõ ràng. Tuy nhiên, theo quan niệm của người xưa kết hợp với những chất có trong trà, nhiều nhà khoa học cho rằng trà kombucha có khả năng tăng cường hệ miễn dịch, thúc đẩy hệ tiêu hóa phát triển. Một số nghiên cứu của Mỹ cũng đã chứng minh kombucha có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, giảm hội chứng ruột kích thích.

Trà kombucha được làm từ quá trình lên men nhờ vi khuẩn và nấm men, vì vậy nó có thể thúc đẩy sự phát triển của một số loại vi khuẩn. Những người có bệnh lý về thận, gan, hệ miễn dịch kém, người bị bệnh ung thư không nên uống trà kombucha. Thức uống này cũng không tốt cho bà bầu, trẻ nhỏ và phụ nữ đang cho con bú.

Theo trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh khuyến cáo mỗi ngày chỉ nên uống dưới 200g trà kombucha để tránh những tác hại có thể xảy ra.

Hướng dẫn làm trà kombucha

Bước 1: Cần có scoby

SCOBY là viết tắt của Symbiotic Colony of Bacteria and Yeast – Cộng sinh của vi khuẩn và nấm men, tập hợp của rất nhiều vi sinh vật siêu nhỏ.

kombucha

Có 2 cách để được SCOBY: Xin lại hay mua lại của ai đó SCOBY đang hoạt động hoặc mua SCOBY khô về tự kích hoạt.

Các hướng dẫn sau đây là để làm kombucha thường xuyên bằng cách sử dụng SCOBY đã được kích hoạt. Đối với SCOBY khô, bạn làm theo hướng dẫn của nhà cung cấp.

Bước 2: Chuẩn bị dụng cụ và nguyên liệu

Dụng cụ

  • Bình thủy tinh cỡ lớn để lên men (1l trở lên)

  • Chai thuỷ tinh để đựng trà sau khi lên men

  • Dụng cụ khuấy bằng nhựa hoặc gỗ (không dùng kim loại)

  • Vải mùng hoặc các loại vải dệt dày hoặc giấy lọc cà phê

  • Dụng cụ để buộc miệng bình (dây thun, vòng cao su, dụng cụ buộc bình đang còn hoạt động tốt )

  • Dụng cụ lọc

Nguyên liệu 

Cho một mẻ trà tầm 1 lít thì cần:

  • 600ml nước sạch không chứa flo và clo

  • 50gr đường

  • Loại trà bạn có: 2 gói túi lọc, hoặc 2 thìa cà phê trà lá, trà đậu, trà gạo…

  • 120ml trà mồi từ mẻ trước hoặc dấm trắng chưng cất (không bắt buộc)

Bước 3: Lên men trà

Đối với các dạng trà đậu, trà gạo lứt thì thời gian đun có thể lâu hơn so với trà lá (tầm 20p, sau khi sôi để liu riu lửa nhỏ). Nếu dùng trà túi lọc thì có thể nấu nước sôi trước ngâm trà sau. Sau đó lấy túi trà ra hoặc lọc bã trà. Bỏ đường vào khuấy cho tan hết.

Để nguội hỗn hợp đến nhiệt độ 20-30 độ C rồi thêm trà mồi vào dung dịch. Nếu không có trà mồi từ mẻ trước có thể đổ dấm vào để thay thế. Không có thì sẽ lên men chậm hơn.

Thêm vào SCOBY đã được kích hoạt.

Đậy hũ bằng giấy lọc cà phê hoặc vải mùng và buộc chặt bằng dây cao su.

Bước 4: Thành quả trà kombucha

Để trà nghỉ ở nhiệt độ phòng, nơi khô ráo, tránh ánh nắng trực tiếp. Sau tầm 5 ngày, bạn nên thử vị và quyết định có kéo dài thời gian lên men không. Trà để lên men càng lâu thì vị sẽ càng ít ngọt và càng chua. Khi có độ chua-ngọt và lên men ưng ý, đổ phần nước trà ra để dùng dần.

Dùng dụng cụ lọc để tránh các sợi SCOBY nhỏ và SCOBY lớn đi theo, các sợi này nếu để lâu trong nước trà cũng dần phát triển được thành SCOBY lớn. Giữ lại SCOBY và một ít nước trà ở đáy bình để mồi cho mẻ tiếp theo.

Có thể thêm hương vị (từ nước ép trái cây, rượu trái cây lên men…) và đóng chai, hoặc đơn giản dùng mộc nếu thích.

Loại trà này có công dụng nổi bật tốt cho hệ tiêu hóa nếu sử dụng ở 1 lượng vừa phải. Mùa hè, bạn có thể thử trổ tài ủ loại trà này cho gia đình cùng thưởng thức nhé!

 

Nguồn : bau.vn