“Nắm” bệnh lúc giao mùa

Tại các bệnh viện nhi đồng, lượng bệnh nhi đến khám luôn tăng cao vào lúc thời tiết chuyển mùa. Theo BS Đinh Tấn Phương - Khoa Cấp cứu BV Nhi Đồng I TP.HCM thì phần lớn bệnh nhi nhập viện do viêm đường hô hấp và tiêu chảy.

Nhẹ hóa nặng

Đây là các bệnh khi khởi phát thường rất nhẹ, chỉ là những cơn ho húng hắng, chảy nước mũi…, bé vẫn chơi, ăn, bú bình thường. Nhưng nếu không được chăm sóc kỹ, bệnh sẽ “thừa thắng xông lên”, từ chảy mũi sẽ chuyển thành viêm, sưng, khó thở. Cơn ho ngày càng dữ dội khiến trẻ bỏ ăn, chơi, bú, quấy khóc… Nặng hơn nữa, bé có thể bị viêm phổi, viêm tai. Khi đã viêm phổi, có thể bị suy hô hấp và dễ dẫn tới tử vong. Điều trị viêm phổi chẳng những tốn kém do phải sử dụng kháng sinh đắt tiền mà còn nguy hiểm đến tính mạng (nếu không được cứu chữa kịp thời).

Giao mùa là thời điểm nhiệt độ thích hợp cho vi khuẩn, vi sinh có “con đàn cháu đống”. Vì thế, thức ăn dễ bị biến chất mất mùi, ôi, thiu. Khi dùng phải những thực phẩm này, trẻ sẽ bị tiêu chảy, nguy hiểm nhất là hiện tượng mất nước do nôn ói, hoặc đi ngoài nhiều lần. Vì thế, cha mẹ cần chú ý bù nước cho bé. Nước uống bù có thể là dung dịch oresol, cháo pha muối đường, nước dừa… Trong trường hợp trẻ không chịu uống cần kiên trì dụ trẻ uống. Nếu trẻ kiên quyết từ chối, hãy đưa đến bệnh viện hoặc trạm xá gần nhất để được truyền dịch hoặc đặt ống thông dạ dày.

Một mối nguy hiểm nữa là vi trùng gây tiêu chảy “quá bộ” sang nơi khác, gây bệnh, ví dụ EV 71 (thuộc nhóm vi rút gây bệnh đường ruột) có thể gây viêm não, viêm cơ tim mà dấu hiệu nhận biết là li bì, vật vã, lừ đừ…

Đẩy lui bệnh

Cuộc chiến chống bệnh chuyển mùa cho bé cần được thực hiện ngay khi thời tiết bắt đầu có dấu hiệu thay đổi: mưa nhiều, nắng gắt. Theo BS Đào Thị Yến Thủy – Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM thì cần lưu ý chế độ dinh dưỡng cho bé. Nên cho bé ăn các món dễ tiêu, ấm nóng, nấu xong dùng ngay, bữa nào kết thúc bữa đó, không hâm đi hâm lại.

Cần giữ ấm phần ngực, chân của bé, xoa bóp chân tay cho bé để giúp máu huyết lưu thông, tăng cường trao đổi chất. Khi bé bị sốt cao, cần kiên trì lau mát hạ sốt để ngăn ngừa co giật, động kinh. Để lau mát, cần chuẩn bị năm chiếc khăn lau, chậu nước ấm, nhiệt kế. Cởi hết quần áo của bé, đặt bé nằm ngửa trên giường hoặc trên khăn lông, pha nước ấm vào thau. Nhúng năm khăn vào nước, vắt ráo, đặt hai khăn ở hõm nách, hai khăn ở bẹn và một khăn dùng để lau khắp người (không đắp lên ngực vì có thể gây viêm phổi). Thay khăn và pha thêm nước nóng nếu nước không còn ấm. Cặp nhiệt độ sau mỗi 15 phút. Ngưng lau mát khi nhiệt độ dưới 38,5ºC, lau khô người và mặc quần áo mỏng cho bé. Chú ý, thời gian lau có thể kéo dài trên nửa tiếng.

Theo PN

Mọi phản ánh, ý kiến đóng góp, thông tin nóng, bài vở cộng tác của độc giả có thể gửi cho Ban biên tập theo địa chỉ: Email: info@bau.vn / Hotline: 0904 666 276

Nguồn : bau.vn