Nhiễm khuẩn đường hô hấp 5-8 lần/năm
Đó là thống kê ở những trẻ dưới 5 tuổi dù ở nước nghèo hay nước giàu. Bạn đọc Trần Thị Kim Phụng, 45 tuổi, hỏi: “Triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính, cách nhận biết, điều trị?”. Bác sĩ Trần Anh Tuấn cho biết biểu hiện dễ nhận biết nhất của viêm đường hô hấp cấp tính là ho dưới 30 ngày, có thể kèm theo sốt, sổ mũi. Đa số trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính sẽ tự khỏi trong vòng 7-10 ngày nếu được chăm sóc tốt.
Khi trẻ mắc bệnh này các bậc cha mẹ vẫn cho ăn uống bình thường, không kiêng ăn. Cho trẻ uống nhiều nước để tránh mất nước đồng thời làm loãng đàm, dịu họng, giảm ho. Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Chú ý thông thoáng mũi thường xuyên cho trẻ, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Khi trẻ có những dấu hiệu như khó thở, bỏ bú, bú kém, không uống được, ngủ li bì, cần đưa trẻ đi khám ngay.
Trước mắt để phòng chống viêm đường hô hấp cấp tính, các bậc cha mẹ cần chú ý giữ ấm cho trẻ khi trời mưa, trở lạnh. Khi trời nóng, nếu sử dụng quạt máy và máy lạnh thì tránh để ở nhiệt độ quá lạnh (không thấp hơn 27OC) và không để luồng gió thổi trực tiếp vào trẻ. Không cho trẻ tiếp xúc với người đang cảm ho.
Giải pháp lâu dài nhằm tránh mắc bệnh là tránh để trẻ bị suy dinh dưỡng, giữ gìn nhà cửa ngăn nắp, tránh khói bụi, khói thuốc lá, tiêm phòng đầy đủ, uống vitamin A và các chất vi lượng theo khuyến cáo của ngành y tế.
“Tôi có tiêm ngừa cúm cho con nhưng sao cháu vẫn thường xuyên bị viêm mũi họng?” – bạn đọc Trương Thúy, 35 tuổi, thắc mắc. Bác sĩ Lê Huỳnh Mai, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM, cho rằng chích ngừa cúm chỉ tránh được một số dòng virut nên trẻ vẫn có thể nhiễm những loại virut chưa được chủng ngừa, hoặc trẻ bị cảm lạnh, viêm mũi dị ứng.
Sốt xuất huyết: trẻ béo phì dễ bị biến chứng
Nhiều bạn đọc gửi câu hỏi: “Bệnh béo phì có ảnh hưởng tới bệnh sốt xuất huyết không?”, bác sĩ Lê Bích Liên – phó giám đốc kiêm trưởng khoa sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM – cho biết độ nặng của bệnh sốt xuất huyết tùy thuộc type siêu vi Dengue gây bệnh mà trẻ em bị nhiễm, cũng như yếu tố miễn dịch của cơ thể trẻ.
Trên thực tế trẻ suy dinh dưỡng cũng có thể mắc sốt xuất huyết nặng. Khi trẻ dư cân, béo phì mắc bệnh sốt xuất huyết sẽ dễ bị biến chứng hơn, gặp khó khăn hơn trong vấn đề theo dõi, bù dịch so với trẻ có cân nặng bình thường.
Theo bác sĩ Lê Bích Liên, phương pháp hữu hiệu hiện nay để phòng ngừa sốt xuất huyết vẫn là diệt muỗi, diệt lăng quăng và ngừa muỗi đốt. Trong những ngày đầu khởi phát bệnh, các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết Dengue rất khó phân biệt với các bệnh lý khác cũng gây sốt ở trẻ em như tay chân miệng, sốt phát ban, cảm, viêm màng não… Do đó, khi thấy trẻ sốt cao từ hai ngày trở đi, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, xét nghiệm phát hiện sớm.
Hầu hết trường hợp sốt xuất huyết có thể chăm sóc và theo dõi tại nhà. Để hạ sốt, chúng ta cho trẻ uống Paracetamol với liều lượng quy định, có thể lau nước ấm giúp trẻ hạ sốt nếu sốt cao; khuyến khích trẻ uống nhiều nước, nước sôi để nguội, nước cam, chanh, dừa, nước trà hay dung dịch Oresol…
Khi trẻ bị sốt xuất huyết
Cần cảnh giác với giai đoạn nguy hiểm từ ngày thứ ba đến ngày thứ sáu của bệnh, khi trẻ hết sốt. Khi thấy trẻ có một trong các dấu hiệu sau, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay: lừ đừ, bứt rứt, quấy, tay chân lạnh, tím, vã mồ hôi, đau bụng nhiều, ói nhiều, tiểu ít, chảy máu cam, máu răng, ói ra máu, tiêu phân đen… Thông thường, cha mẹ cho trẻ tái khám mỗi ngày đến hết ngày thứ bảy. |
Có thể mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần
Dù bệnh tay chân miệng không nằm trong danh sách bệnh thường gặp vào mùa mưa, nhưng hiện số trẻ mắc tay chân miệng nhập viện điều trị ở mức cao nên nhiều bạn đọc gửi câu hỏi nhờ bác sĩ tư vấn về căn bệnh này.
Chị Hồng Hoa, 40 tuổi, băn khoăn không biết trẻ từng mắc bệnh tay chân miệng có bị mắc lại không? Hiện nay có dịch bệnh, làm sao ngừa cho trẻ? Trẻ ở độ tuổi nào hay mắc bệnh này?
Bác sĩ Trần Thị Thúy, trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2, trả lời: Bệnh tay chân miệng do nhóm siêu vi đường ruột Enterococcus gây ra. Nhóm này có nhiều virut khác nhau như Coxsackie A 16, Coxsackie B, EV 68 –> 71. Do đó trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng rồi vẫn có thể bị mắc lại nhiều lần nếu nhiễm virut khác nhau. Đa số các virut này gây ra các bệnh cảnh nhẹ, duy chỉ có virut EV 71 gây ra bệnh cảnh nặng có thể dẫn đến tử vong.
Tất cả lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, nhưng trẻ dưới 3 tuổi nếu bị nhiễm virut EV 71 có thể gặp biến chứng nặng về thần kinh, tim mạch và hô hấp do khả năng miễn dịch kém. “Vậy triệu chứng của bệnh tay chân miệng thế nào?” – bạn đọc Hoàng Yến Trang, 34 tuổi, hỏi.
Bác sĩ Trần Thị Thúy liệt kê: các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng gồm sốt, có thể ói và tiêu chảy, lở miệng. Trong giai đoạn đầu trẻ biếng ăn, biếng bú, nhểu nước bọt do đau miệng, sau đó nổi những hồng ban bóng nước hoặc hồng ban kín đáo ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông, khuỷu tay.
Cần lưu ý hồng ban nổi càng nhiều bệnh cảnh thường không nguy hiểm. Trái lại, những trẻ nổi rất ít hồng ban và khó phát hiện thì bệnh thường nặng.
Khi thấy trẻ có một trong những dấu hiệu sốt cao liên tục khó hạ, giật mình nhiều, trên hai lần trong vòng 30 phút, thường giật mình lúc thiu thiu ngủ, bứt rứt, quấy khóc, hốt hoảng, chới với, run tay chân, đi đứng loạng choạng, yếu chi, ói nhiều, tay chân lạnh, rịn mồ hôi, thở không đều, thở nhanh, thở khò khè, ngủ gà, co giật thì cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để nhập viện điều trị.
Mọi phản ánh, ý kiến đóng góp, thông tin nóng, bài vở cộng tác của độc giả có thể gửi cho Ban biên tập theo địa chỉ: Email: info@bau.vn / Hotline: 0904 666 276
Nguồn : bau.vn