Chị Nguyễn Thị Xuân Ngọc (TP.HCM) cho biết cháu chị là L.T.Q.N. (11 tuổi, ở Đắk Lắk) đột nhiên bị đau bụng, ăn uống không được. Bệnh viện đa khoa TP Buôn Ma Thuột chẩn đoán cháu bị sỏi thận to 10mm. Gia đình đưa cháu đến điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM hồi tháng 5-2010. Tại đây, sau khi mổ bác sĩ cho gia đình xem một cục sỏi thận to khoảng 17mm. Năm ngày sau bác sĩ cho cháu xuất viện, dặn uống thuốc mỗi ngày và hai tuần sau tái khám…
Lúc có sỏi, lúc không
Nguyên nhân gây sỏi thận ở trẻ thường do các bệnh gây rối loạn chuyển hóa như rối loạn enzyme, hội chứng ống thận (sỏi calci-phosphat, sỏi cystinuria), cường tuyến cận giáp, nằm bất động lâu, sỏi do tăng acide uric, sỏi calci oxalat không rõ nguồn gốc (chiếm gần 25% ca bệnh); do sỏi niệu thứ phát: nhiễm trùng tiểu do vi khuẩn tạo urease, bệnh lý tắc nghẽn đường niệu, do một số loại thuốc thải quá nhiều qua thận; do vật lạ (chỉ may, các ống dẫn lưu được đặt vào trong đường tiểu để hỗ trợ cuộc mổ tránh biến chứng).
Đến hẹn, gia đình đưa cháu N. tái khám và “lấy que” (theo chị Ngọc, “que” được bác sĩ đặt vào trong lúc mổ, không biết để làm gì). Khi tái khám, siêu âm, bác sĩ nói cháu N. có sỏi thận 11mm và xung quanh có nhiều sỏi nhỏ khác. Bác sĩ cho thuốc uống tiếp, dặn một tháng sau tái khám. Nếu tái khám sỏi lại lớn thì tiếp tục mổ. Gia đình chị Ngọc băn khoăn vì sao chỉ có nửa tháng mà sỏi thận lớn nhanh vậy, có khi nào bác sĩ mổ sót sỏi không?
Một tháng sau cháu N. đến tái khám, siêu âm xong bác sĩ kết luận có sỏi thận 11mm, sỏi bàng quang 21mm, yêu cầu phải mổ. Đến ngày mổ, mãi không thấy điều dưỡng đến đưa đi mổ, bố cháu sốt ruột lên hỏi thì bác sĩ trả lời sau khi chụp X-quang với hình ảnh rõ hơn thì cháu N. chỉ có vài cục sỏi li ti nên chỉ cần lấy “que”, không phải mổ. Gia đình nghe bác sĩ nói vậy rất mừng nhưng cũng thấy không tin tưởng vào các chẩn đoán của bác sĩ.
Khó lấy hết sỏi một lần
Bác sĩ Trịnh Hữu Tùng – trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2 – nói cháu Q.N. nhập viện ngày 31-5-2010 do có sỏi san hô thận trái. Bệnh sỏi thận ở trẻ em thường là bệnh lý do rối loạn chuyển hóa, trong đó sỏi san hô là dạng sỏi rất phức tạp.
Việc phẫu thuật lấy trọn vẹn toàn bộ viên sỏi sẽ gặp rất nhiều khó khăn, có khả năng gây tổn thương thận, gây mất máu trong khi bóc tách lấy sỏi. Vừa bảo đảm an toàn cho bệnh nhân vừa có thể lấy được sỏi tới mức tối đa, phẫu thuật viên phải hết sức cân nhắc. Nguy cơ sót sỏi sau mổ rất cao hay tiểu máu kéo dài sau mổ cũng vậy. Ngược lại nếu không phẫu thuật lấy sỏi, viên sỏi to dần sẽ phá hủy dần nhu mô thận và diễn tiến đến suy thận. Do phẫu thuật viên phải đặt sự an toàn của bệnh nhân lên hàng đầu nên có thể chấp nhận sót sỏi để bệnh nhân không mất một quả thận.
Ca phẫu thuật cho cháu N. về cơ bản bác sĩ đã lấy phần lớn sỏi gây tắc nghẽn bể thận niệu quản. Việc đặt “que” theo lời gia đình cháu N. thật ra là đặt ống thông niệu quản làm nòng (sonde JJ) để vị trí mổ trên thận lành tốt. Sonde này phải rút ra khi bệnh ổn định, do người nhà chưa được giải thích kỹ nên có sự hiểu lầm, bệnh viện sẽ rút kinh nghiệm. Theo bác sĩ Tùng, bệnh của bé Q.N. là do bệnh lý chuyển hóa hình thành nên sỏi, vì thế sỏi có thể tái phát sau mổ. Do đó, bệnh nhi phải tái khám, theo dõi định kỳ.
Bé trai gặp nhiều hơn bé gái
Trao đổi thêm về bệnh sỏi thận ở trẻ em, bác sĩ Ngô Tấn Vinh – phó khoa thận niệu Bệnh viện Nhi Đồng 2 – cho biết hằng năm khoa thận niệu nhận điều trị 5-7 trường hợp sỏi thận. Tuổi phát hiện bệnh trung bình 4-5 tuổi, ở bé trai nhiều hơn bé gái.
Tùy theo kích thước, vị trí của viên sỏi, mức độ tắc dòng nước tiểu mà triệu chứng bệnh sỏi thận biểu hiện khác nhau. Ở trẻ lớn có biểu hiện đau bụng vùng hông, tiểu máu (33-90%); trẻ nhỏ: dễ kích thích, quấy khóc, ói, nhiễm trùng tiểu.
Trong đó, đau bụng biểu hiện rõ khi sỏi kẹt ở niệu quản, đau như vọp bẻ vùng bụng hay vùng chậu, kèm theo buồn nôn hay nôn ói, tiểu khó, tiểu nhiều lần. Tiểu máu: từ màu hồng nhạt đến đỏ sậm, nếu sỏi kẹt ở niệu đạo có thể có vài giọt máu sau khi rặn đi tiểu xong. Nhiễm trùng tiểu thường biểu hiện ở trẻ dưới 4 tuổi với đau vùng hông, sốt, đôi khi tiểu đục. Đôi khi bệnh sỏi thận ở trẻ chỉ phát hiện tình cờ qua siêu âm bụng.
Không có phương pháp điều trị hoàn hảo áp dụng cho tất cả các loại sỏi. Mỗi phương pháp đều có thể có biến chứng, như sót sỏi: có thể do không thấy được trên phim chụp trước mổ, do sỏi nhỏ rơi ra trong quá trình lấy sỏi, do sỏi nhỏ ở sâu trong thận; xuất huyết: do tổn thương mạch máu lúc lấy sỏi; tắc niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận đến bọng đái): do sỏi nhỏ hay các mảnh sỏi nhỏ rơi ra trong quá trình lấy sỏi trôi vào trong niệu quản bị kẹt ở đây làm tắc dòng nước tiểu; nhiễm trùng: nhiễm trùng vết mổ do trước đó nước tiểu ứ đọng vì sỏi kẹt làm nước tiểu bị nhiễm trùng lây lan vào vùng mổ.
Tỉ lệ sỏi thận ở trẻ em tái phát từ 4% đến gần 70% trường hợp, sỏi thận do nguyên nhân rối loạn chuyển hóa có tỉ lệ tái phát cao hơn sỏi do các nguyên nhân khác.
Phòng ngừa sỏi thận ở trẻ em: phụ huynh không tự ý cho trẻ uống thuốc thời gian dài, dù là thuốc bổ; khuyến khích trẻ uống đủ nước (trẻ 10g-20kg cần 1-1,5 lít/ngày, trẻ 30kg cần 1,75 lít/ngày, trẻ trên 30kg cần 2 lít/ngày – lượng nước này trong cả thức ăn…). Vào mùa nóng, quan sát thấy trẻ tiểu ít hơn bình thường, nước tiểu sậm màu như nước trà đậm thì phải cho trẻ uống thêm nước đến khi thấy trẻ tiểu được nhiều nước và có màu vàng thật nhạt.
Nguồn : bau.vn