Bé ăn chậm

Các bé ăn quá chậm và hay ngậm cơm thường có nguy cơ bị bệnh sâu răng rất cao. Vậy làm sao để bé ăn nhanh hơn?

Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân khiến bé hay ngậm thức ăn và lười nuốt. Một phần có thể do cách chế biến thức ăn. Nếu thức ăn được chế biến không phù hợp với độ tuổi, hàm răng, sở thích,… thì bé lại càng trở nên lười nuốt hơn. Không ít người, con đã lớn 2 – 3 tuổi mà vẫn cho ăn cháo xay, cháo hạt nấu kỹ,… Việc làm này vô tình càng làm trẻ trở nên lười nhai, lười nuốt.

Mặt khác, ăn thức ăn được xay nhuyễn kéo dài quá lâu sẽ hình thành thói quen lười nhai và trẻ sẽ ngậm thức ăn. Khi không chịu nhai, men tiêu hoá không được kích thích bài tiết đủ cũng là lý do khiến trẻ chán ăn, hay ngậm thức ăn.
Tuy nhiên cũng có trường hợp, con mới được hơn một năm, mẹ đã cho bé ăn cơm nên bé khó nhai nát thức ăn dẫn đến việc bé cũng sẽ lười nuốt hơn.

Một số ít trẻ khác, do liên quan đến cảm quan vị giác nên khi ăn đồ ăn yêu thích, trẻ vẫn nhai bình thường nhưng cứ đến lúc ăn bữa chính trẻ lại ngậm không chịu nhai hoặc chỉ nuốt nước và nhả bã thức ăn ra.

Giải pháp

Với những trẻ đã có “thâm niên” ngậm thức ăn trong miệng, việc tập cho bé ăn nhanh và nuốt ngay sau khi nhai rất khó. Bạn thử chia bữa ăn của trẻ làm nhiều bữa nhỏ để trẻ có cảm giác ngon miệng hơn. Nhiều trẻ khi mới ăn vẫn chịu nuốt nhưng khi đã hơi lưng dạ bắt đầu lười nhai. Lúc này, không nên cố ép trẻ vì trẻ sẽ không chịu nuốt. Sau đó, khoảng 1 – 2 tiếng hãy tiếp tục cho trẻ ăn.

Cha mẹ nên nấu thức ăn cho trẻ theo đúng độ tuổi. Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, cần phải nấu thức ăn lỏng, mềm. Khi trẻ đã mọc răng, cha mẹ nên nấu thức ăn đặc hơn để bé tập nhai.

Ở lứa tuổi nhà trẻ, người lớn nên khuyến khích trẻ tập tự xúc thức ăn (dù ban đầu bé có thể làm rơi vãi và bốc thức ăn). Bạn hãy động viên trẻ, hướng dẫn cho trẻ cách cầm thìa, cách xúc thức ăn, dần dần trẻ sẽ xúc ăn gọn hơn. Không nên quát mắng, dọa, đánh trẻ sẽ làm cho trẻ sợ ăn, ăn không ngon miệng, biếng ăn.

\"\"
(Ảnh minh họa)

Không nên để bữa ăn của trẻ kéo dài mà chỉ nên cho trẻ ăn trong khoảng 30 phút. Đến bữa tiếp theo trẻ đói sẽ cảm thấy thèm ăn nên sẽ nhai nuốt nhanh và ăn ngon lành hơn.

Hãy khen ngợi khi bé ăn ngoan. Cho trẻ quanh quẩn trong bếp, chế biến thức ăn cùng mẹ cũng là cách để tạo hứng thú cho trẻ được thưởng thức món ăn do mình tham gia chế biến.

Một cách khác nữa là bạn có thể đặt một số thức ăn khác nhau cho bé tự chọn món bé thích. Khi đó, bé cảm thấy mình chủ động và sẽ hứng thú ăn uống hơn.

Việc để trẻ vừa ăn vừa chơi có thể thời gian đầu làm cho trẻ ăn nhiều hơn. Tuy nhiên, việc làm này rất dễ tạo cho trẻ thói quen mải chơi mà ngậm thức ăn trong miệng, quên nhai, nuốt.

Không nên cho trẻ ăn khi xem tivi hoặc băng hình vì sẽ không tạo được hứng thú thưởng thức mùi vị, màu sắc thức ăn và không tạo ra được những phản xạ bài tiết nước bọt và dịch vị. Sự thiếu hụt này sẽ làm thức ăn chậm tiêu hóa hơn và  gây cho trẻ cảm giác không muốn ăn.

Theo dân gian, giá đỗ khi được nấu với bột hoặc cháo cho trẻ ăn cũng khiến trẻ ăn ngon miệng và kích thích sự nuốt ở trẻ hơn.

Diệu Thu

Nguồn : bau.vn