Một số truyên cổ tích thế tục mà các bạn nhỏ có thể tìm đọc là các gợi ý trong bài viết sau của Bau.vn.
Truyện cổ tích thế tục dành cho thiếu nhi
1. Sự tích bánh chưng, bánh dày
Ngày xưa, đời Vua Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh dẹp xong giặc Ân, vua có ý định truyền ngôi cho con.
Nhân dịp đầu Xuân, vua mới họp các hoàng tử lại, bảo rằng: “Con nào tìm được thức ăn ngon lành, để bày cỗ cho có ý nghĩa nhất, thì ta sẽ truyền ngôi vua cho”.
Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ dâng lên cho vua cha, với hy vọng mình lấy được ngai vàng.
Trong khi đó, người con trai thứ 18 của Hùng Vương, là Tiết Liêu (còn gọi là Lang Liêu) có tính tình hiền hậu, lối sống đạo đức, hiếu thảo với cha mẹ. Vì mẹ mất sớm, thiếu người chỉ vẽ, nên ông lo lắng không biết làm thế nào.
Một hôm, Tiết Liêu nằm mộng thấy có vị Thần đến bảo: “Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành.”
Tiết Liêu tỉnh dậy, vô cùng mừng rỡ. Ông làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp thật tốt làm bánh vuông để tượng hình Đất, bỏ vào chõ chưng chín gọi là Bánh Chưng. Và ông giã xôi làm bánh tròn, để tượng hình Trời, gọi là Bánh Dầỵ Còn lá xanh bọc ở ngoài và nhân ở trong ruột bánh là tượng hình cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái.\
Đến ngày hẹn, các hoàng tử đều đem thức ăn đến bày trên mâm cỗ. Ôi thôi, đủ cả sơn hào hải vị, nhiều món ngon lành. Hoàng tử Tiết Liêu thì chỉ có Bánh Dầy và Bánh Chưng. Vua Hùng Vương lấy làm lạ hỏi, thì Tiết Liêu đem chuyện Thần báo mộng kể, giải thích ý nghĩa của Bánh Dầy Bánh Chưng. Vua cha nếm thử, thấy bánh ngon, khen có ý nghĩa, bèn truyền ngôi Vua lại cho Tiết Liêu con trai thứ 18.
Kể từ đó, mỗi khi đến Tết Nguyên Đán, thì dân chúng làm bánh Chưng và bánh Dầy để dâng cúng Tổ Tiên và Trời Đất.
2. Sự tích cái Lồng đèn
Ngày xưa, ở dọc theo một bờ sông nọ, có một ngôi làng dân cư đông đúc, phồn thịnh. Bỗng nhiên, ở dưới sông có một con cá chép thành tinh xuất hiện. Con cá này thường lên bờ vào đêm trăng tròn tháng tám tìm bắt người ta để ăn thịt. Dân cư trong làng tìm cách trốn tránh hoặc chống cự, nhưng năm nào cũng vậy, cứ đến rằm tháng tám là có rất nhiều người bị con cá chép thành tinh sát hại. Nhiều người phải bỏ làng mà đi. Làng xóm vì vậy mà trở nên thê thảm, tiêu điều.
Một hôm có nhà sư vân du qua đó, nghe dân làng trình bày thảm họa mà họ đang gánh chịu, ông mới bày cho dân làng làm mỗi nhà một cái lồng đèn hình con cá chép thật lớn, bên trong là nan tre, bên ngoài phủ vải. Đến rằm trung thu, dân làng đem lồng đèn treo trước cửa, trong lồng đèn có thắp đèn sáp lớn. Khi cá chép thành tinh lên bờ tìm người để ăn thịt, đi đến nhà nào nó cũng thấy lồng đèn cá chép, tưởng là nhà của đồng loại nên bỏ đi.
Từ đó, mỗi năm cứ đến rằm trung thu, dân làng lại làm lồng đèn cá chép. Tục này ngày càng lan rộng ra khắp nơi, trở thành một thú vui trong ngày Trung Thu. Theo thời gian, lồng đèn cá chép được những tay thợ đầy sáng kiến chế biến thành những kiểu lồng đèn khác như cá hóa long, con thỏ, con rồng… Theo đà văn minh của nhân loại, lồng đèn được mang hình thức xe tăng, máy bay, tàu thủy, xe hơi…
3. Truyện cổ tích thế tục: Rét nàng Bân
Nàng Bân là con gái của Ngọc Hoàng nhưng khác với nhiều chị em của mình, nàng Bân chậm chạp và có phần vụng về. Tuy nhiên, nàng Bân vẫn được cha mẹ yêu chiều.
Ngọc Hoàng và Hoàng Hậu thương con thua em kém chị nhưng không biết làm cách nào, mới bàn nhau lấy chồng cho nàng để nàng biết thêm công việc nội trợ trong gia đình.
Chồng nàng Bân, cũng là một người trên giới nhà trời. Nàng yêu chồng lắm. Thấy mùa rét đã đến, nàng định tâm may cho chồng một cái áo ngự hàn.
Những nàng vụng về quá, khi bắt đầu rét, nàng Bân đã bắt đầu công việc song cứ loay hoay mãi, tìm được cái nọ thì thiếu cái kia, xe được chỉ thì chưa có kim, đưa sợi vào dệt thì thoi, suốt lại hỏng. Đến nỗi trời đã sắp sang xuân rồi mà chỉ mới may trọn được đôi cổ tay. Nhiều người trên trời đã chế giễu nàng:
“Nàng Bân may áo cho chồng
May ba tháng ròng mới trọn cổ tay”.
Nhưng nàng Bân vẫn không nản chí. Nàng may mãi qua tháng Giêng rồi hết tháng Hai, cho tới khi áo may xong thì vừa lúc trời hết rét. Nàng Bân buồn lắm.
Thấy con âu sầu, Ngọc Hoàng gạn hỏi. Khi biết chuyện Ngọc Hoàng cảm động bèn làm cho trời rét lại mấy hôm để chồng nàng mặc thử áo. Từ đó thành lệ, hàng năm vào khoảng tháng Ba tuy mùa rét đã qua, mùa nóng đã tới nhưng có lúc tự nhiên rét lại mấy hôm, người ta gọi cái rét đó là rét nàng Bân.
Nguồn : bau.vn